Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề chung của toàn cầu. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy kem chống nắng, đặc biệt là dạng hóa học, đang gây hại đến môi trường. Đã đến lúc chúng ta cần đặt ra câu hỏi: “Kem chống nắng mình đang dùng liệu có an toàn cho môi trường?”
Có gì trong bài viết này
Một số thành phần chống nắng hóa học có nguy cơ gây hại môi trường
Từ việc Oxybenzone “tẩy trắng” các rạn san hô
Tầm quan trọng của san hô
Bạn có biết? Các rạn san hô tạo nên một hệ sinh thái vô cùng quan trọng. Theo Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), san hô là “ngôi nhà” trú ẩn của hơn 4000 loài cá. Ngoài ra, loài sinh vật biển này còn giúp kiểm soát lượng carbon dioxide trong nước biển. Điều này ảnh hưởng đến sự sống của tất cả các sinh vật khác trên trái đất.
Sự sống của san hô đang bị đe dọa
Vào năm 2008, một nghiên cứu đã chỉ ra thành phần Oxybenzone trong kem chống nắng hóa học có thể gây hại đến môi trường. Cụ thể là ảnh hưởng đến các rạn san hô, làm chúng bị tẩy trắng. Nghiên cứu này được thực hiện trên 4 vùng san hô (Indonesia, Mexico, Thái Lan và Ai Cập). Theo đó, hóa chất sẽ xâm nhập vào đại dương khi chúng ta bơi với kem chống nắng trên da. Ngoài ra, nước thải từ việc tắm rửa khi đã thoa kem chống nắng trước đó cũng sẽ đi vào đại dương.
Vào năm 2015, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã thử nghiệm Oxybenzone lên một loại san hô có tên là Stylophora pistillata . Kết quả của nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Ô nhiễm và Chất độc Môi trường. (The Environmental Contamination and Toxicology journal). Nội dung chính như sau:
- Trong điều kiện phòng thí nghiệm, Oxybenzone đã biến đổi san hô từ trạng thái vận động sang trạng thái biến dạng và không hoạt động.
- Hóa chất này đã khiến san hô tạo ra một bộ xương mở rộng và bị bao bọc trong đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng Oxybenzone là “chất gây rối loạn nội tiết xương” trong san hô.
- Oxybenzone cũng làm hỏng DNA san hô.
- Khi nồng độ Oxybenzone tăng lên, mức độ tẩy trắng san hô cũng tăng. Twins sẽ nói thêm ở đây. Tẩy trắng là phản ứng giải phóng zooxanthellae của san hô vào nước biển xung quanh. Mà san hô lại hấp thụ thức ăn và oxy được tạo ra bởi zooxanthellae. Do đó, thời gian tẩy trắng càng dài thì san hô sẽ hồi phục càng lâu. Thậm chí là mất khả năng hồi phục vĩnh viễn và chết đi.
Đến những mối lo ngại khác
Từ sự kiện san hô bị tẩy trắng, một số người bắt đầu đặt ra các câu hỏi. Kem chống nắng đã và đang gây hại môi trường đến đâu? Còn bao nhiêu thành phần trong kem chống nắng hóa học tiềm ẩn nguy cơ? Thế là nghiên cứu mới lại tiếp tục được thực hiện. Và đưa ra những kết luận không mấy khả quan.
Theo Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), thành phần trong kem chống nắng hóa học có liên quan đến cái chết của san hô, sự thay đổi nội tiết tố ở cá heo, thay đổi mô sinh sản ở cá, thậm chí là dị tật bẩm sinh ở vẹm và nhím biển. Thật sự có quá nhiều mối nguy hại ở đây.
Phòng thí nghiệm môi trường Haereticus (HEL) đã nghiên cứu tác động của kem chống nắng và các sản phẩm chăm sóc cá nhân lên nhiều hệ sinh thái khác nhau như sông, suối, biển, đại dương và môi trường hoang dã. Trong kết quả được công bố, có một danh sách các thành phần gây ô nhiễm môi trường và đe dọa sức khỏe hệ sinh thái sau: (bạn xem hình bên dưới nhé)
Từ hình trên, chúng ta có thể thấy, không chỉ Oxybenzone, các thành phần khác trong kem chống nắng cũng có thể gây hại môi trường. Chẳng hạn như Octinoxate, Octocrylene, PABA, Titanium Dioxide (TiO2) và Zinc Oxide (ZnO) dạng phân tử nano trong kem chống nắng vật lý.
Làm sao để kem chống nắng hạn chế gây hại đến môi trường?
Kết quả từ các nghiên cứu trên không có mục đích kêu gọi mọi người “quẳng đi” kem chống nắng. Thay vào đó, các bên liên quan cần ngồi lại với nhau để tìm ra phương án giải quyết vấn đề. Cụ thể là các nhà khoa học và những công ty sản xuất kem chống nắng. Để mang đến một sản phẩm kem chống nắng an toàn cho môi trường và sức khỏe con người. Vậy trước mắt, làm sao để kem chống nắng của mình ít gây hại đến môi trường? Sau đây là những lưu ý dành cho bạn:
Thay hóa học bằng vật lý
Nhiều thành phần kem chống nắng hóa học đã được chứng minh có thể gây ô nhiễm môi trường biển. Đặc biệt là Oxybenzone. Đối với kem chống nắng vật lý, nguy cơ nằm ở Titanium Dioxide và Zinc Oxide dạng phân tử nano. Cho những ai chưa biết, trong một số kem chống nắng vật lý, nhà sản xuất sẽ giảm kích thước phân tử của TiO2 và ZnO xuống dạng nano. Điều này nhằm hạn chế tình trạng da trắng bệch khi thoa kem. Trừ những loại này, kem chống nắng vật lý thông thường vẫn được xem là an toàn cho môi trường.
Nhiều tổ chức khuyên rằng nên tránh thành phần Oxybenzone trong kem chống nắng hóa học. Thay vào đó nên sử dụng kem chống nắng vật lý để bảo vệ các rạn san hô. Các tổ chức này bao gồm: Cục Công viên Quốc gia Mỹ (The US National Park Service), Hiệp hội Hướng dẫn viên Lặn biển Chuyên nghiệp PADI (Professional Association of Diving Instructors) và nhiều khu khai thác du lịch sinh thái (bao gồm cả các công viên san hô ở Mexico).
Hiểu đúng về kem chống nắng “Reef Safe” và “Reef Friendly”
Hiện nay trên thị trường, bạn có thể bắt gặp kem chống nắng với nhãn “Reef Safe” hay “Reef Friendly”. Nhà sản xuất nói rằng đây là kem chống nắng an toàn với san hô, không gây hại môi trường. Tuy nhiên, chưa có công bố chính thức nào tuyên bố điều này là đúng. Do đó, bạn cần phải dựa vào thành phần kem chống nắng và kiến thức của mình để đánh giá. Đừng để những dòng chữ “Reef Safe” hay “Reef Friendly” tạo cho mình cảm giác “an toàn ảo” nhé!
Kem chống nắng có tính kháng nước (Water Resistant) được khuyên dùng
Trong những chuyến du lịch biển, bạn nên chuẩn bị một tuýp kem chống nắng “Water Resistant” (kháng nước). Vì khi bơi hay hoạt động dưới nước, lớp kem này có khả năng lưu lại trên da nhiều hơn là thâm nhập vào nước. Điều này cũng góp phần hạn chế gây ô nhiễm môi trường biển.
Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da vẫn luôn là điều cần thiết. Tuy nhiên, bạn cũng cần quan tâm đến mức độ ảnh hưởng cho chúng đến môi trường. Twins mong qua bài viết này, bạn sẽ biết cách chọn kem chống nắng ít gây hại đến môi trường. Và đừng quên chia sẻ với người thân, bạn bè để cùng chung tay bảo vệ hệ sinh thái quanh mình nhé!
Chúc bạn luôn vui vẻ và xinh đẹp!
Nội dung bài viết thuộc quyền sở hữu của Twins Skin. Vui lòng không copy dưới mọi hình thức.
Twins Skin là thương hiệu mỹ phẩm chuẩn khoa học đầu tiên của Việt Nam, tiên phong ứng dụng các công nghệ bọc tiên tiến, dựa trên nền tảng khoa học đã được nghiên cứu chứng nhận. Đội ngũ nghiên cứu của Twins Skin gồm: kỹ sư hoá sinh, kỹ sư hoá dược, sự tham vấn từ bác sĩ da liễu và bác sĩ da liễu thẩm mỹ.
Mỗi khách hàng đến với Twins Skin đều sẽ được thiết quy trình cá nhân hoá dựa vào lịch sử da và vấn đề da. Twins Skin cam kết đảm bảo quyền lợi của bạn với chính sách bảo hành/đổi trả miễn phí. Tìm hiểu và kết nối cùng Twins tại: