Tranh cãi xoay quanh kem chống nắng hóa học

oxybenzone, thành phần kem chống nắng hóa học

Khác với chống nắng vật lý, thành phần kem chống nắng hóa học chỉ phát huy tác dụng sau khi được hấp thụ vào da. Điều này đã gây nên những tranh cãi về độ an toàn của chúng. Đặc biệt là Oxybenzone. Vậy liệu kem chống nắng hóa học có tốt cho làn da và sức khỏe? Hãy cùng Twins tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

4 thành phần kem chống nắng hóa học gây lo ngại

Vào tháng 5/2019, một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Hiệp hội y khoa Hoa Kỳ (JAMA) cho rằng: Kem chống nắng hóa học chứa 4 thành phần có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo đó, các chất này được tìm thấy trong máu sau khoảng thời gian thoa kem chống nắng. Trước hết, Twins sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về 4 thành phần này nhé!

Avobenzone

Avobenzone có lịch sử khá lâu đời, được cấp bằng sáng chế năm 1973, EU chấp thuận năm 1978, FDA chấp thuận năm 1988. Đây là thành phần đặc trưng trong kem chống nắng hóa học. Chất này có khả năng hấp thụ tia UVA phổ rộng cực kỳ tốt và tan trong dầu.

avobenzone, oxybenzone - thành phần kem chống nắng hóa học

Tuy vậy, điều đáng buồn là khi ra nắng, Avobenzone lại trở nên vô cùng “yếu ớt”. Nghiên cứu đã chỉ ra Avobenzone sẽ mất 50-90% khả năng lọc tia UV của mình trong vòng 1 giờ tiếp xúc với ánh sáng. Do đó, Avobenzone cần được kết hợp với một số thành phần khác (như mexoryl) để tăng độ ổn định.

Ở nhiều quốc gia, Avobenzone được sử dụng kết hợp với Zinc Oxide và Titanium Dioxide. Nhưng ở Mỹ, sự kết hợp này là không được phép (theo Công bố của FDA, trang 3). FDA cho rằng thành phần này an toàn. Tuy nhiên, chỉ được sử dụng với nồng độ tối thiểu 3% trong các công thức chống nắng. Theo EWG, Avobenzone là chất tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng cao trên da và cần được bổ sung nhiều thông tin an toàn hơn.

Oxybenzone

Oxybenzone là thành phần kem chống nắng hấp thụ tia UVA và UVB khá tốt. Tuy nhiên, nếu bạn có làn da nhạy cảm thì cần phải lưu ý thành phần này. Vì Oxybenzone có thể gây kích ứng và nổi ban đỏ tùy cơ địa. EU còn đưa ra quy định: Bất kỳ sản phẩm chống nắng nào chứa thành phần này vượt quá 5% phải được ghi rõ ràng trên nhãn. Vì Oxybenzone có thể làm sản sinh gốc tự do gây hại cho da và cơ thể. Bởi nguyên nhân này, đặt dấu chấm hỏi về độ an toàn của thành phần kem chống nắng hóa học cũng không hẳn là vô lý.

Octocrylene

Octocrylene hấp thụ được tia UVB phổ rộng, UVA2 và khá bền vững trước ánh nắng. Octocrylene này còn giúp ổn định các thành phần kem chống nắng khác. Năm 2006, một nghiên cứu đã cho rằng Octocrylene có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời và gây tăng các gốc tự do gây hại. Ở mức độ nào thì vẫn chưa rõ. Vì vậy, thông tin an toàn của Octocrylene vẫn cần được bổ sung thêm.

Ecamsule

Ecamsule còn có tên gọi khác là Mexoryl XL. Trong kem chống nắng hóa học, Ecamsule có nhiệm vụ hấp thụ tia UVA2. Sau đó giải phóng các tia này dưới dạng năng lượng nhiệt. Thành phần kem chống nắng này không thâm nhập vào da. Hiện Ecamsule vẫn chưa được FDA duyệt.

Cuộc thử nghiệm 4 ngày trên kem chống nắng hóa học

Nghiên cứu được thực hiện như thế nào?

Lại nói về nghiên cứu Twins đã đề cập ở phần đầu bài. Theo đó, có 24 người trưởng thành được chia thành các nhóm tham gia thử nghiệm. Họ sẽ bôi kem chống nắng hóa học 4 lần/ngày trên khoảng 75% vùng da toàn bộ cơ thể. Sau 4 ngày, các nhà nghiên cứu cho biết nồng độ hóa chất trong cơ thể người thử nghiệm tăng dần qua từng ngày. Kết luận trong quá trình sử dụng, thành phần kem chống nắng sẽ tích tụ theo thời gian. Ngoài ra còn có nồng độ hóa chất trong máu sau khi ngừng sử dụng kem chống nắng.

Tính chính xác của nghiên cứu

Trước tiên, Twins muốn bạn bớt hoang mang. Vì mục đích của nghiên cứu không dùng để kêu gọi ngưng sử dụng kem chống nắng hóa học. Có một sự thật là cả hai loại kem chống nắng đều được hấp thụ vào da ở mức độ nào đó. Theo bác sĩ Tanya Nino – Chuyên khoa da liễu tại Bệnh viện St. Joseph, Orange, California: “Kem chống nắng vật lý chủ yếu hoạt động trên bề mặt nên sẽ ít được da hấp thụ. Còn kem chống nắng hóa học thì sẽ hấp thụ vào da nhiều hơn một chút. Đặc biệt là khi da nóng, ra mồ hôi hoặc bị kích ứng.” Vì vậy không thể nói vì kem chống nắng hóa học hấp thụ vào da nên chúng rất nguy hiểm. Điều chúng ta cần phải quan tâm ở đây là cơ thể hấp thụ được bao nhiêu? Mức độ này có gây ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Chính các nhà nghiên cứu cũng cho hay. Họ mong từ những phát hiện này, ngành công nghiệp sản xuất kem chống nắng hóa học, bác sĩ và các cơ quan đánh giá an toàn sẽ nghiêm túc nhìn nhận vấn đề. Từ đó tiến hành nghiên cứu, cung cấp nhiều thông tin hơn để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Và theo những người thực hiện, nghiên cứu này vẫn có một số hạn chế. Chẳng hạn như thử nghiệm được thực hiện trong nhà. Người tham gia không được tiếp xúc với nhiệt độ, ánh sáng mặt trời và độ ẩm. Điều này có thể dẫn đến những sai lệch về tốc độ hấp thụ thành phần so với thực tế.

Lời khuyên dành cho bạn

Oxybenzone – Thành phần cần lưu tâm trong kem chống nắng

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy Oxybenzone có thể gây dị ứng da. Khi gặp Clo, chất này có thể gây nguy hiểm cho nguồn nước trong hồ bơi. Những nghiên cứu khác còn phát hiện Oxybenzone là một chất tiềm tàng nguy cơ gây rối loạn nội tiết.

Tổ chức Hoạt động vì môi trường EWG (Environmental Working Group) cũng đã khuyến cáo nên tránh sử dụng Oxybenzone. Dựa trên các nghiên cứu chứng minh chất này có thể được hấp thụ từ da vào cơ thể. Theo thông tin do EWG công bố, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (The Centers for Disease Control and Prevention) đã phát hiện nồng độ Oxybenzone ở hơn 96% người Mỹ. Có thể thấy, hàm lượng Oxybenzone đưa vào cơ thể dường như đã không còn an toàn như những gì chúng ta được biết trước đây. EWG còn khuyến nghị FDA khởi động một cuộc điều tra kỹ lưỡng về sự an toàn của tất cả các thành phần kem chống nắng. Nhằm đảm bảo rằng không có chất nào gây hại cho làn da và sức khỏe.

Phụ nữ mang thai không nên dùng kem chống nắng hóa học

Như các bạn cũng đã thấy, kem chống nắng hóa học có quá nhiều nghi vấn về độ an toàn. Do đó, đây không phải là lựa chọn đúng đắn dành cho phụ nữ mang thai. Nghiên cứu (Schlumpf 2008, Schlumpf 2010) đến từ Đại học Zurich, Thụy Sĩ đã phát hiện bốn thành phần kem chống nắng hóa học khác (Paraben, Octinoxate, Homosalate, Octocrylene) cùng với Oxybenzone tồn tại trong sữa mẹ. Điều này cho thấy thai nhi và trẻ sơ sinh đang phát triển có nguy cơ tiếp xúc với các chất này. Chính vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, kem chống nắng vật lý là sự thay thế an toàn hơn.

oxybenzone, thành phần kem chống nắng hóa học

Biết cách kiểm chứng thông tin trên kem chống nắng

Trước những tranh cãi trên, kem chống nắng hóa học vẫn có những ưu điểm riêng. Chẳng hạn như kết cấu mỏng nhẹ, không nhờn dính, không làm da trắng bệch. Ngoài ra, kem chống nắng hóa học còn có phổ chống nắng rộng, hiệu quả bảo vệ cao mà không cần phải thoa quá nhiều. Hiện nay, công thức kem chống nắng hóa học cũng mang đến nhiều cải tiến mới. Điều này nhằm bảo vệ sức khỏe làn da tốt hơn. Nhưng bạn cần phải đọc hiểu thông tin cũng như thành phần mà nhãn hàng cung cấp. Mức độ an toàn có được đảm bảo không? Thông tin có chính xác không? Khi đó, việc cập nhật thông tin liên tục là rất quan trọng. Và Twins có thể giúp bạn ở khoản này. Bạn nhớ theo dõi những bài viết của Twins thường xuyên nhé.

Còn nếu cảm thấy hơi rối, bạn có thể lựa chọn kem chống nắng vật lý. Vì hai thành phần chính là Titanium Dioxide và Zinc Oxide trong kem chống nắng vật lý được đánh giá là khá an toàn. Tuy nhiên bạn cũng cần đảm bảo sử dụng đúng cách để đạt được hiệu quả tối ưu. Twins sẽ nói rõ hơn trong những bài viết tiếp theo. Bạn đừng bỏ lỡ nha.

Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn góc nhìn bao quát hơn về kem chống nắng hóa học.

Chúc bạn luôn xinh đẹp và hạnh phúc!

Nội dung bài viết thuộc quyền sở hữu của Twins Skin. Vui lòng không copy dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *