fbpx

SPF và các cụm từ cần biết trong kem chống nắng

Sau bài viết về tác dụng của kem chống nắng trước tia UV, Twins hy vọng bạn nào cũng đã có cho mình một tuýp trên tay rồi nè. Vậy khi nhìn vào bao bì của chúng, có bạn nào thắc mắc các từ như “Broad spectrum, Water-resistant,..”, đặc biệt là hai chỉ số chống nắng SPF, PA mang ý nghĩa là gì không? Việc hiểu rõ các thông tin này sẽ giúp bạn chọn mua kem chống nắng dễ dàng hơn nhiều đấy. Thế nên, hãy cùng Twins đi tìm ý nghĩa đằng sau những cụm từ này ngay thôi nào.

Chỉ số chống nắng SPF và PA

SPF là gì?

Trước tiên, chúng ta sẽ cùng đến với chỉ số chống nắng SPF (Sun Protection Factor). Theo Cục Quản Lý Thực Phẩm Và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA), SPF là chỉ số đo lường khả năng chống lại tia UV được sử dụng trong các sản phẩm kem chống nắng. Để đạt những mức SPF này, kem chống nắng phải trải qua quá trình thử nghiệm. Cụ thể là đo lượng tiếp xúc với tia UV cần thiết để gây cháy nắng (sunburn). Điều này được thực hiện trong trường hợp có và không có sử dụng kem chống nắng. Sản phẩm sau đó sẽ được dán nhãn với giá trị SPF thích hợp. SPF càng cao thì khả năng chống nắng càng cao. Vì thử nghiệm SPF được thực hiện với bức xạ UVB. Nên giá trị SPF chỉ biểu thị khả năng chống tia UVB của kem chống nắng.

Tuy nhiên cho đến tháng 6 năm 2011, một số kem chống nắng đã “vượt qua” bài kiểm tra phổ rộng. Chúng đã chứng minh rằng mình cũng có khả năng chống cả tia UVA. Do đó, theo quy định, các loại kem chống nắng có nhãn “Broad Spectrum SPF [giá trị]” thì sẽ chống lại được cả hai bức xạ UVA và UVB.

chỉ số chống nắng spf, tia UV

 

Ý nghĩa thật sự của những con số theo sau SPF

Bạn sẽ bắt gặp SPF đi cùng với nhiều con số khác nhau như SPF15, SPF30, SPF50. Trong đó, 1 SPF có thể bảo vệ da trước tia UV trong khoảng 10 phút, theo Định mức Quốc tế. Như vậy, SPF15 thì sẽ bảo vệ da trong 150 phút. SPF50 thì bảo vệ da được trong 500 phút. Tuy nhiên, Twins muốn đính chính một điều tại đây. Những ước tính trên chỉ mang tính chất tương đối. Bạn sử dụng kem chống nắng với SPF50 không có nghĩa da bạn sẽ được bảo vệ toàn diện dưới nắng nóng trong suốt 500 phút. Vì theo FDA, bản chất của SPF liên quan trực tiếp đến cường độ ánh sáng hơn là khoảng thời gian mặt trời chiếu sáng.

Ánh nắng mặt trời có cường độ cao vào giữa ngày so với sáng sớm hay chiều tối. Điều đó có nghĩa nguy cơ bị cháy nắng của bạn sẽ cao hơn vào giữa ngày. Ngoài ra, cường độ tia UV cũng bị ảnh hưởng bởi vị trí địa lý. Tia UV sẽ có tác động lớn hơn ở vĩ độ thấp hơn. Do vậy nhiều hãng mỹ phẩm hay đưa ra cảnh báo “Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong suốt nhiều giờ liền ngay cả khi đã thoa kem chống nắng. Nói tóm lại, đừng xem SPF như một “tấm chắn” sẽ bảo vệ bạn hoàn toàn trước tia UV nhé!

chỉ số chống nắng spf, tia UV

 

PA là gì?

Như Twins đã trình bày ở trên, SPF là chỉ số chống tia UVB, nhưng tia UV gây hại thì còn có cả UVA. Chính vì thế, Hiệp hội Mỹ phẩm Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu và công bố chỉ số chống nắng PA. Theo đó, PA (Protection Grade of UVA) là chỉ số đo lường khả năng lọc tia UVA của kem chống nắng. Để tính được PA, các nhà nghiên cứu đã thực hiện quá trình MPPD (Minimal Persistent Pigment Darkening). Bạn có thể hiểu đơn giản là đo lường mức UVA tối thiểu gây rám da trong vòng 2-4h sau khi phơi nắng. Thử nghiệm này sẽ cho ra các mức PA kèm theo dấu “+” như sau:

  • PA+: có khả năng chống UVA, ở mức 40 – 50%
  • PA++: chống UVA tương đối tốt, ở mức 60 – 70%
  • PA+++: chống tia UVA tốt, lên đến 90%
  • PA++++: chống tia UVA rất tốt, lên đến hơn 95%

chỉ số chống nắng spf, tia UV

 

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những con số tương đối. Vì trong thử nghiệm xác định PA, màu da của những người được test là không đồng bộ. Do đó, khi chiếu tia UVA vào, có da bị rám nắng nhiều, có da phải mất thời gian lâu hơn. Và không phải tất cả mọi quốc gia đều đồng ý với mức độ chính xác của thử nghiệm này. Vậy nên Twins chốt lại là, kem chống nắng có chỉ số chống UVA, UVB đúng là sẽ bảo vệ da tốt hơn. Nhưng bạn cũng phải tuân thủ những nguyên tắc kèm theo. Chẳng hạn như thoa đủ lượng kem, thoa lại khi cần và tránh nắng hết mức có thể nhé!

Kem chống nắng có SPF bao nhiêu là đủ?

Với câu hỏi này, trước tiên Twins muốn khẳng định với bạn: Không phải SPF càng cao thì càng tốt. Theo FDA, SPF 15 là con số tối thiểu bạn cần chọn khi mua kem chống nắng. Tuy nhiên, kem chống nắng có SPF từ 30-50 sẽ được khuyến khích hơn. Còn với SPF cao hơn, lúc thoa lên da sẽ rất dễ gây bít tắc lỗ chân lông và phát sinh những vấn đề khác. Theo Tổ chức Ung Thư Da (Skin Cancer Foundation), Hoa Kỳ, các trường hợp có nguy cơ ung thư da cao, người bệnh bạch tạng, khô da sắc tố nên dùng kem chống nắng có SPF trên 50.

Đôi khi, kem chống nắng có SPF cao sẽ gây cho bạn cảm giác “an toàn ảo”. Bạn sẽ đinh ninh da đã được bảo vệ nên không cần che chắn kỹ càng hay tìm đứng dưới bóng mát. Điều này là rất nguy hiểm đấy. Bởi SPF được đo lường trong phòng thí nghiệm, mà cuộc sống bên ngoài thì đâu giống phòng lab. Lớp kem chống nắng bạn thoa sẽ không thể bền vững trước những hoạt động thường ngày đâu nè. Do đó, ngoài yếu tố SPF, bạn còn cần phải thoa lại kem chống nắng mỗi 2 tiếng nếu hoạt động nhiều dưới trời nắng.

So sánh SPF trong kem chống nắng và kem dưỡng da

Trong quy trình dưỡng da, thường các loại kem dưỡng ẩm ban ngày sẽ có kèm theo chỉ số SPF. Điều này nhằm mục đích tăng cường khả năng bảo vệ da. Một số kem dưỡng ẩm còn có chỉ số SPF cao ngang với kem chống nắng. Thế là nhiều người bắt đầu nghĩ rằng: chỉ cần dùng kem dưỡng ẩm có SPF cao là đủ. Nhưng sự thật không như bạn nghĩ!

 

Một nghiên cứu thực hiện tại nước Anh cho thấy: Những người sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa SPF sẽ không được bảo vệ khỏi tia UV tương tự như khi sử dụng kem chống nắng truyền thống. Ngoài ra, khi thoa kem dưỡng ẩm chứa SPF, vùng mí mắt thường bị bỏ qua. Trong khi đây là vùng da nhạy cảm, rất cần được bảo vệ trước ánh nắng. Theo các bác sĩ da liễu, kem dưỡng ẩm chứa SPF sẽ có ích trong vài trường hợp. Khi bạn chỉ đi bộ quãng đường ngắn hoặc ở trong mát cả ngày, với điều kiện thoa đúng cách. Nếu ở lâu hơn dưới nắng, kem chống nắng, mũ và kính râm mới là thứ có ích thật sự.

Các cụm từ phổ biến trên bao bì kem chống nắng

Ngoài SPF và PA, bạn cũng sẽ nhìn thấy những cụm từ khác trên bao bì kem chống nắng. Hãy cùng Twins tìm hiểu ý nghĩa của chúng ngay bây giờ nhé!

Broad spectrum (phổ rộng)

Nếu thấy cụm từ này, bạn có thể yên tâm mình sẽ được bảo vệ khỏi cả tia UVA và UVB. Kem chống nắng phổ rộng sẽ tạo ra hàng rào hóa học hấp thụ hoặc phản xạ tia UV. Quá trình này được diễn ra trước khi bức xạ UVA và UVB làm hỏng da. Nhưng như Twins vẫn hay nói mãi, không có gì là tuyệt đối. Bạn vẫn nhớ đảm bảo việc thoa kem đủ liều lượng, thoa lại khi cần và tránh nắng hết mức nha.

 

Water-resistant (chống nước)

Trên mascara không thấm nước thường có cụm từ “Water-proof”. Vậy tại sao trên kem chống nắng lại là “Water-resistant”? Lý giải về điều này, FDA khẳng định không có loại kem chống nắng nào là “không thấm nước” cả. Tất cả các loại kem chống nắng đều sẽ bị rửa trôi và chỉ được gắn nhãn “Water-resistant”. Hơn nữa, kem chống nắng có nhãn này phải trải qua quy trình kiểm tra SPF theo yêu cầu. Ngoài ra nhãn hàng còn phải ghi rõ kem chống nắng này có tác dụng trong bao lâu. Chẳng hạn như 40 phút, 80 phút sau khi bơi hay đổ mồ hôi và khi nào nên thoa lại.

Sunblock

Trước đây, “Sunblock” được dùng để thể hiện sản phẩm là kem chống nắng vật lý. Tuy nhiên, FDA đã yêu cầu nhà sản xuất không được gắn nhãn kem chống nắng của họ là “Sunblock”. Vì cái tên này đang nói quá tác dụng của sản phẩm. Tạm dịch “Sunblock” là “ngăn chặn ánh nắng mặt trời”. Nhưng bạn biết đấy, không có kem chống nắng nào chặn được hoàn toàn ánh nắng cả. Thế nên cụm từ “Sunblock” đã sớm không còn được sử dụng. Giờ đây, kem chống nắng hay được gọi chung là “Sunscreen” với:

  • Mineral (Physical) Sunscreen là Kem chống nắng vật lý
  • Chemical Sunscreen là Kem chống nắng hóa học

Theo đó, Twins cũng sẽ có bài phân tích kỹ hơn về hai loại kem chống nắng này trong kỳ sau.

Sport

Nhìn qua thì các bạn cũng biết ý nghĩa của nhãn “Sport” trên kem chống nắng rồi đúng không? Vâng, đó chính là loại được sử dụng khi bạn tham gia hoạt động thể thao. Điểm nổi bật của loại này là khả năng chống nước cũng như mồ hôi. Nhưng bạn nên nhớ chỉ trong một khoảng thời gian cụ thể thôi nha. Và thông tin này phải được thể hiện trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, hiện FDA vẫn chưa chấp thuận sử dụng từ này trên kem chống nắng. Do đó khi chọn mua kem chống nắng có nhãn “Sport”, Twins khuyên bạn phải nên tìm hiểu thật kỹ.

Hy vọng với những kiến thức trên, bạn sẽ dễ dàng đọc hiểu các thông tin trên kem chống nắng. Từ đó chọn cho mình sản phẩm phù hợp trong từng hoàn cảnh nhé.

Chúc bạn luôn hạnh phúc và xinh đẹp!

Nội dung bài viết thuộc quyền sở hữu của Twins Skin. Vui lòng không copy dưới mọi hình thức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *