Nhiều bạn thường thắc mắc, chỉ số SPF trong kem chống nắng cao có tốt không? Sự thật là, không phải SPF càng cao sẽ càng tốt. Nếu đã từng tìm hiểu vấn đề này nhưng vẫn chưa thỏa mãn với lượng thông tin nhận được, Twins hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp được bạn.
Có gì trong bài viết này
Đặt vấn đề
Theo Cục Quản Lý Thực Phẩm Và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA), SPF là chỉ số đo lường khả năng chống lại tia UVB được sử dụng trong các sản phẩm kem chống nắng. SPF càng cao thì khả năng chống nắng càng tốt. Tuy nhiên, dù cao đến đâu, SPF cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn tia UVB. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: một số người đang bị “đánh lừa” bởi những tuyên bố về kem chống nắng có chỉ số SPF cao. Vì nếu sử dụng không đúng cách, những người này còn có nguy cơ tiếp xúc với tia UV có hại cao hơn, so với người sử dụng mức SPF bình thường (SPF từ 30-50).
Trả lời cho câu hỏi SPF cao có tốt không, điều này liên quan đến nhiều khía cạnh. Bao gồm cả về sản phẩm và nhận thức của người dùng. Nhưng trước hết, Twins cần làm rõ một điều. Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh chính xác SPF cao là có hại. Vấn đề cần bàn ở đây là SPF cao có thật sự cần thiết, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta lạm dụng chúng?
SPF càng cao càng tốt hay cảm giác “an toàn ảo”?
Sự chủ quan đến từ người tiêu dùng
Đôi khi, chỉ số SPF cao sẽ gây cho bạn cảm giác “an toàn ảo”. Vì nghĩ SPF càng cao càng tốt, bạn sẽ đinh ninh da mình đang được bảo vệ và ở dưới nắng lâu hơn. Khi đó, làn da thậm chí còn phải tiếp xúc với tia UVA và UVB nhiều hơn so với người dùng mức SPF bình thường và ở trong nhà. Và bạn nên nhớ, SPF chỉ có thể ngăn chặn tia UVB. Trong khi tia UVA cũng là một mối lo ngại cực kỳ lớn đối với làn da.
Philippe Autier là một nhà khoa học từng làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông đã thực hiện nhiều nghiên cứu về hành vi tắm nắng của mọi người. Ông tin rằng chỉ số SPF cao sẽ tác động sâu sắc đến hoạt động của mọi người dưới ánh nắng mặt trời. Chẳng hạn như những người du lịch ở châu Âu đã dành nhiều thời gian hơn dưới nắng khi được tặng kem chống nắng SPF 30 thay vì SPF 10 (Nguồn: Autier 1999, 2000).
Sự chênh lệch về khả năng bảo vệ của kem chống nắng
Có thể nói các sản phẩm kem chống nắng của Mỹ đang gặp phải vấn đề này khá nhiều. Do những quy định hạn chế của FDA về thành phần và nồng độ, kem chống nắng Mỹ bình thường đã chống tia UVA ít hơn nhiều so với tia UVB. Bạn thử nghĩ, đối với các sản phẩm có SPF cao, sự chênh lệch này lại còn lớn đến đâu. Trong nghiên cứu Wang 2017, chỉ có 2 trong số 7 loại kem chống nắng Mỹ (SPF từ 50 trở lên) vượt qua thử nghiệm châu Âu về khả năng chống tia UVA. Do đó, nếu người dùng kem chống nắng Mỹ có quan niệm SPF càng cao càng chống nắng tốt. Họ tiếp tục phơi mình dưới nắng, để tia UVA mặc sức tàn phá làn da. Điều này sẽ rất tai hại.
Đọc đến đây, chắc nhiều bạn sẽ nghĩ thế này. Vậy thì dùng SPF cao nhưng tránh ở dưới nắng quá lâu là được rồi. Twins đồng ý với cách này. Nhưng mà, nếu vậy thì SPF quá cao có thật sự cần thiết không? Bạn hoàn toàn có thể dùng kem chống nắng với SPF ở mức 30-50, thoa đủ và thoa lại khi cần. Mà vẫn đảm bảo hiệu quả và cho da cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Vì kem chống nắng với SPF cao có kết cấu khá nặng. Nên thường để lại lớp nền không tự nhiên trên da. Bạn có thể cân nhắc và lựa chọn nhé!
SPF cao đến 100 có tốt hơn nhiều so với SPF 50 không?
Nếu sử dụng đúng cách, tương ứng với các mức SPF 15, 30, 50, 100, kem chống nắng có thể chống được 93%, 97%, 98% và 99% lượng bức xạ UVB. Vì vậy, gấp đôi SPF cũng sẽ không thể gấp đôi khả năng bảo vệ của kem chống nắng. Nếu bạn thoa đủ lượng kem, sự khác biệt giữa các mức SPF là không đáng kể. Nhiều người thường thoa một lớp kem chống nắng quá mỏng. Điều này có thể làm cho SPF 30 bị giảm hiệu quả bảo vệ xuống bằng với SPF 20. Theo Tổ chức Hoạt Động Vì Môi Trường (EWG), khi được sử dụng đúng cách, kem chống nắng với SPF 30-50 có khả năng chống tia UVB hiệu quả, ngay cả đối với làn da dễ bị cháy nắng.
Rủi ro tiềm ẩn trong chỉ số SPF quá cao
Để sản xuất kem chống nắng với SPF cao, nồng độ hóa chất để lọc tia UVB đương nhiên cũng sẽ cao. Điều này đã làm dấy lên một số nghi ngờ về sự an toàn cho sức khỏe. Theo EWG, chúng ta có cơ sở để lo lắng về điều này.
Ở Úc, giá trị SPF giới hạn ở mức 30, châu Âu và Nhật Bản ở mức 50 (Osterwalder 2009b). Canada cho phép tối đa là SPF 50+. FDA từ lâu đã cho rằng, SPF cao hơn 50 vốn đã là một “điều sai lệch” (inherently misleading). Năm 2011, cơ quan này đã đề xuất quy định cấm kem chống nắng có mức SPF cao hơn 50+. Tuy nhiên, năm 2019, trong bản dự thảo về kem chống nắng, FDA lại đề xuất “nới lỏng” mức giới hạn lên SPF 60+. Nhưng không phải ai cũng đồng ý với điều này. Cụ thể là tổ chức EWG. Tổ chức này cho rằng FDA nên xem xét lại sự thay đổi trên. Thay vào đó là giữ giới hạn ở mức SPF 50+.
Quá nhiều tranh cãi đúng không. Nhưng từ những điều trên, các bạn có thể thấy SPF 30-50 là mức được khuyên dùng hơn cả. Do vậy, chúng ta có thể đi theo hướng dẫn này. Và đừng quên để ý đến chỉ số chống tia UVA nữa bạn nhé. Bảng dưới đây sẽ cho bạn biết các thành phần trong kem chống nắng vật lý và hóa học có phổ chống tia UVA, UVB đến đâu. Bạn có thể tham khảo để chọn kem chống nắng phù hợp với mình nè.
Ngoài ra bạn còn cần phải kết hợp với việc thoa kem chống nắng đúng cách. Và bài viết này có thể sẽ hữu ích với bạn: https://twinsskin.com/khoa-hoc-lan-da/5-sai-lam-kinh-dien-can-tranh-de-dung-kem-chong-nang-dung-cach/
Hy vọng đã mang đến cho bạn nhiều thông tin mới và bổ ích.
Chúc bạn luôn xinh đẹp và hạnh phúc!
Bài viết thuộc quyền sở hữu của Twins Skin. Vui lòng không copy dưới mọi hình thức khi chưa có sự cho phép từ Twins Skin.
Twins Skin là thương hiệu mỹ phẩm chuẩn khoa học đầu tiên của Việt Nam, tiên phong ứng dụng các công nghệ bọc tiên tiến, dựa trên nền tảng khoa học đã được nghiên cứu chứng nhận. Đội ngũ nghiên cứu của Twins Skin gồm: kỹ sư hoá sinh, kỹ sư hoá dược, sự tham vấn từ bác sĩ da liễu và bác sĩ da liễu thẩm mỹ.
Mỗi khách hàng đến với Twins Skin đều sẽ được thiết quy trình cá nhân hoá dựa vào lịch sử da và vấn đề da. Twins Skin cam kết đảm bảo quyền lợi của bạn với chính sách bảo hành/đổi trả miễn phí. Tìm hiểu và kết nối cùng Twins tại: