Dùng hoạt chất theo trend? Bạn ơi đừng vậy nữa, da mình còn gì đâu… Hydroquinone được xem là “trùm cuối” trong việc làm trắng và trị nám. Tuy nhiên, thành phần này thực chất là một “con dao hai lưỡi” và có thể gây ra những hậu quả kéo dài vĩnh viễn trên da. Nếu bạn cũng đang bị hấp dẫn bởi trend “làm trắng bằng Hydroquinone”, hãy chắc rằng mình đã đọc bài viết sau đây của Twins nhé!
Có gì trong bài viết này
Lịch sử của Hydroquinone
Thời xưa Hydroquinone được dùng nhiều trong lĩnh vực nhiếp ảnh, cụ thể là rửa ảnh. Vào năm 1820, Hydroquinone lần đầu tiên được 2 nhà hoá học người Pháp là Pelletier và Caventou tổng hợp thành công nhưng vẫn chưa có tên cụ thể.
Nguồn ảnh: Keep Vitality
Đến năm 1843, cái tên “Hydroquinone” mới xuất hiện và được đặt bởi Friedrich Wöhler – một nhà hóa học nổi tiếng người Đức. Đồng thời ông cũng phát minh ra thêm những cách để tổng hợp Hydroquinone tốt hơn trong phòng thí nghiệm.
Friedrich Wöhler – Nguồn ảnh: Wikipedia
Cho tới năm 1960, Hydroquinone thực sự đã trở thành “ông hoàng” của giới skincare và được coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị chứng tăng sắc tố, cụ thể là nám. Dần dần người ta cũng bắt đầu sử dụng Hydroquinone rộng rãi hơn trong việc làm trắng da. Năm 1982, FDA chính thức công nhận Hydroquinone dùng với nồng độ dưới 2% là an toàn. Nhưng đến năm 2006, FDA lại đề nghị rút lại công bố về độ an toàn của Hydroquinone sau một số nghiên cứu cho rằng Hydroquinone thẩm thấu qua da gây nên bệnh lý ở gan và thận của chuột. Tuy nhiên cho tới hiện tại thì vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định Hydroquinone có khả năng gây nên các biến đổi bệnh lý ở người. Do vậy hiện vẫn chưa có kết luận chính thức nào từ FDA. Ở Châu Âu, Hydroquinone chỉ được cho phép dùng trong các sản phẩm sơn móng tay với nồng độ tối đa là 0.02% và không được phép có mặt trong bất kỳ sản phẩm chăm sóc da, tóc nào.
Cơ chế hoạt động và tác dụng phụ của Hydroquinone
Chúng ta thường nghe ra rả là Hydroquinone ức chế sản sinh hắc tố melanin từ đó làm trắng da. Điều này là đúng nhưng rất chung chung và không thể giúp bạn hiểu sâu vấn đề. Sau đây Twins sẽ phân tích kỹ về cơ chế hình thành melanin và sự tác động của Hydroquinone vào quá trình đó. Mục đích cũng là để trả lời câu hỏi: Vì sao không nên sử dụng Hydroquinone chỉ để làm trắng da?
Cơ chế sản sinh Melanin – Cơ chế làm da đen, sạm, nám
Trước hết Twins cần phải nhấn mạnh sản sinh Melanin là một cơ chế hoàn toàn tự nhiên của cơ thể. Ở mức độ phù hợp, Melanin mang lại nhiều lợi ích cho da. Đặc biệt là bảo vệ da dưới tác hại của tia UV. Quá trình hình thành Melanin diễn ra như sau:
Giai đoạn 1:
Cấu trúc da của chúng ta có lớp thượng bì. Trong lớp thượng bì có lớp sừng, lớp hạt, lớp gai, lớp đáy. Ở lớp đáy có tế bào sừng Keratinocyte và tế bào biểu bì tạo hắc tố Melanocyte. Để dễ hình dung, bạn có thể hiểu “Mẹ” của Melanin là những tế bào Melanocyte. Trong Melanocyte (mẹ) có chứa các amino acid Tyrosine. Khi xảy ra một tổn thương nào đó (có thể do mụn, ánh nắng…) hoặc bẩm sinh men Tyrosinase (bố) bị kích hoạt. Lúc này, các amino acid Tyrosine của Melanocyte sẽ bị kích thích bởi men Tyrosinase. Làm Tyrosine sẽ chuyển hoá thành DOPA – DOPA lại chuyển hoá thành Dopaquinoe. Dopaquinoe lại tiếp tục chuyển hoá trở thành Eumelanin và Pheomelanin (2 đứa con thơ). Đó chính là 2 loại sắc tố của melanin với:
- Eumelanin có màu từ nâu đến đen.
- Pheomelanin có màu từ vàng đến đỏ.
Giai đoạn 2:
Sau quá trình tổng hợp, Melanin sẽ được đựng trong túi Melanosome và vận chuyển lên các tế bào keratinocyte thông qua tua dendrites.
Giai đoạn 3:
Tại đây Melanin sẽ bám vào các hạt nhân của tế bào keratinocyte và tạo nên màu sắc cho tế bào da.
Và theo như chứng minh thì: Tỉ lệ cũng như số lượng melanocyte giống nhau với mọi loại da. Điều này cho thấy yếu tố quyết định màu da không phải là số lượng melanocyte. Mà đó chính là loại melanin, số lượng melanin và số lượng melanosome. Một thông tin bất ngờ nữa là các màu da khác nhau lại có số lượng pheomelanin khá tương đồng. Vậy nên số lượng Eumelanin mới là yếu tố tiên quyết quyết định tỉ lệ melanin trên da và tạo ra màu da. Và Hydroquinone có khả năng ngăn men Tyrosinase (bố) đến với Melanocyte (mẹ). Giống như “Tuesday” vậy đó mọi người!
Cơ chế hoạt động của Hydroquinone
Cơ chế tích cực
Nhìn hình bên dưới bạn có thể thấy, cấu tạo của Hydroquinone gần giống Tyrosine và DOPA (đều có vòng benzen và liên kết HO).
Vì vậy, men Tyrosinase sẽ nắm lấy Hydroquinone thay vì phản ứng với Tyrosine. Từ đó không thể tổng hợp Dopaquinon và ngăn chặn việc sản sinh hắc sắc tố melanin từ trong trứng nước. Điều này được giải thích bởi Michelle, founder của Lab Muffin. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Hydroquinone không thể dễ dàng thẩm thấu đến lớp đáy của thượng bì để xảy ra phản ứng như vậy. Hoặc có thì cũng không đủ nhiều để quá trình này diễn ra mạnh mẽ. Mặc dù có những tài liệu nói rằng Hydroquinone có khả năng thẩm thấu tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một cách giải thích khác. Có thể bạn chưa biết, men Tyrosinase còn được gọi là enzym polyphenol oxidase (PPO). Mà Hydroquinone lại là một dẫn xuất của phenol. Và cũng chính vì sự tương đồng ở gốc phenol này, Hydroquinone có thể truyền dẫn tín hiệu đến Tyrosinase, làm vô hiệu hoá mạnh mẽ hoạt động của enzym này.
Nói tóm lại, dù là với cách giải thích nào thì cuối cùng Hydroquinone cũng ức chế hoạt động của men tyrosinase. Từ đó ức chế sản sinh melanin và giúp da được trắng lên.
Cơ chế tiêu cực
Tuy nhiên mọi chuyện không dừng lại ở đó. Nếu chỉ đơn thuần là ức chế thôi thì Hydroquinone đã được sử dụng rộng rãi, thoải mái rồi. Đằng này với 4% Hydroquinone thôi đã phải dùng ở dạng kê đơn. Và thậm chí ở dạng ≤ 2% cũng nên có sự cố vấn từ chuyên gia. Điều này là hoàn toàn có lý do. Bởi Hydroquinone khi apply lên da sẽ từ từ phản ứng với oxy trong không khí cũng như oxy có sẵn trong da để tạo thành các hóa chất như p-benzoquinone và hydroxybenzoquinone. Những hóa chất này có thể tiêu diệt melanocytes, những tế bào tạo ra melanin. Và nếu không kiểm soát được tình trạng này sẽ dẫn đến hậu quả da bị mất sắc tố vĩnh viễn.
Lúc này Hydroquinone mới lộ rõ “bộ mặt sát thủ” của mình. Không giống như hoạt động của chính Hydroquinone, những chất mới này gây ra hiện tượng tẩy trắng da, thường không đồng đều và loang lổ. Thậm chí là chứng ochronosis – một chứng rối loạn tăng sắc tố gọi là đồng bộ hoá ngoại sinh (tình trạng sắc tố đen-xanh kéo dài)
Nguồn ảnh: Clinical Advisor
Đặc biệt, tình trạng này cũng có thể diễn ra khi sản phẩm của bạn không được bảo quản tốt, tiếp xúc với không khí lâu ngày và chuyển sang màu vàng nâu. Do đó, hãy lưu ý hạn sử dụng và tuyệt đối tránh xa những sản phẩm có dấu hiệu trên bạn nhé! Cũng chính vì cơ chế này nên Hydroquinone được khuyến cáo là dùng khoảng 4 tháng ngưng một đợt. Và Hydroquinone dù ở nồng độ phần trăm được kê đơn hay không kê đơn thì đều nên có sự thăm khám, hướng dẫn của bác sĩ chứ không nên sử dụng tuỳ tiện. Quan điểm của Twins thì không bài trừ nhưng cũng không ủng hộ việc sử dụng Hydroquinone để làm trắng da đơn thuần. Theo đó, Hydroquinone chỉ nên dùng khi bạn có vấn đề thực sự cần đặc trị như nám, tàn nhang, thâm mụn dai dẳng và phải có sự tư vấn từ chuyên gia. Chưa hết, Hydroquinone cũng là một thành phần nhẵn mặt trong kem trộn với tỉ lệ bao nhiêu thì chỉ có trời mới biết. Do đó, bạn nên tránh xa các sản phẩm không rõ nguồn gốc, được hô hào là “bao trắng, bất chấp da đen bẩm sinh, không trắng trả lại tiền,…” nha. Mà thật ra nhìn lại, chúng ta vẫn còn nhiều cách làm trắng với các thành phần ít tác dụng phụ hơn Hydroquinone. Vậy tại sao cứ phải liều lĩnh đi trái lại với quy luật tự nhiên của cơ thể? Bởi Melanin vẫn có vai trò riêng của chúng đối với làn da mà. Còn nếu bạn vẫn muốn bất chấp tất cả để trắng, hãy tìm hiểu kỹ tất cả những kịch bản có thể xảy ra, đọc kĩ lại bài viết này của Twins và sử dụng theo sự hướng dẫn của những người có chuyên môn như bác sĩ da liễu. Đó là lời khuyên chân thành.
Các thắc mắc thường gặp về Hydroquinone
1. Tại sao ngưng sử dụng Hydroquinone thì da lại trở nên đen, sạm nhiều hơn?
Có 2 nguyên nhân chính:
- Sử dụng Hydroquinone nhưng không chống nắng kỹ càng. Với cơ chế tự vệ, khi tiếp xúc với ánh nắng, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều melanin hơn để bảo vệ da khiến da sạm đi. Thêm vào đó, sau thời gian sử dụng Hydroquinone, sắc tố da trên bề mặt giảm cũng làm khả năng chống nắng tự nhiên của da kém đi. Chính tác động kép này đã dẫn đến việc da trở nên đen sạm nhiều hơn.
- Trong quá trình sử dụng Hydroquinone, Tyrosinase bị ức chế và không được làm nhiệm vụ tự nhiên bản năng của mình là tổng hợp Melanin. Do đó khi ngưng sử dụng, Tyrosinase sẽ bắt đầu ồ ạt giải phóng các sắc tố bị “ém lại” suốt thời gian qua. Từ đó làm da sạm đen đi. Vậy nên khi kết thúc một liệu trình điều trị với Hydroquinone, bạn nên dùng thêm các thành phần dưỡng sáng khác như Vitamin C, Alpha Arbutin, Kojic Acid,…
2. Hydroquinone không nên kết hợp với Benzoyl Peroxide?
Hoàn toàn kết hợp được nha mọi người. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng Hydroquinone trên toàn bộ vùng da. Mà chỉ nên chấm vào những nơi bị thâm mụn do Benzoyl Peroxide để lại. Nhiều bạn có tâm lý trị sạch hết mụn xong mới chuyển qua trị thâm. Việc đó chỉ làm vết thâm của bạn đậm màu và trị lâu hơn thôi. Bạn chỉ cần hiểu đơn giản mụn, thâm là vấn đề cục bộ, bị chỗ nào thì chấm chỗ đó, xong! Ngoài ra bạn cũng không nên bôi chồng 2 chất này lên nhau cùng 1 lúc vì sẽ xảy ra phản ứng nhuộm da tạm thời. Mặc dù rửa mặt đi là sẽ hết nhưng điều này sẽ không được thẩm mỹ lắm.
3. Hydroquinone không nên kết hợp với Resorcinol?
Twins đồng ý với quan điểm này. Xét về cấu trúc hoá học thì Recorcinol có cấu trúc hoá học tương tự Hydroquinone, đều là dẫn xuất của phenol. Xét về công dụng chúng cũng có nhiều điểm giống nhau. Do đó khi dùng chung có thể gia tăng khả năng da bị đồng bộ hoá ngoại sinh (tình trạng sắc tố đen-xanh kéo dài) mà lúc nãy Twins có đề cập.
4. Vì sao dùng Hydroquinone da hay bị đỏ?
Hydroquinone là một dẫn xuất của phenol và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Langerhans – một tế bào quan trọng trong hệ miễn dịch da. Mà khi Langerhans bị tác động, làn da sẽ xảy ra phản ứng tự nhiên đó là da bị đỏ rát, châm chích, bong tróc. Mặc dù đây là hiện tượng bình thường nhưng để biết có nên dùng tiếp hay điều chỉnh sao cho phù hợp thì bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ nhé!
5. Vì sao Hydroquinone và Tretinoin đều mạnh mà lại thường được kết hợp với nhau?
Twins phải công nhận một điều là combo Hydroquinone + Tretinoin mang lại tác dụng mạnh mẽ thật sự nếu bạn kết hợp thành công. Lúc này, Hydroquinone sẽ giải quyết vấn đề sản sinh melanin làm da bạn trắng lên, còn Tretinoin sẽ loại bỏ các melanin đã xuất hiện trên bề mặt da (hiện tượng da bong tróc). Đồng thời Tretinoin cũng giúp trẻ hoá da và tăng sinh tế bào mới. Như Twins đã nói các hắc sắc tố melanin được vận chuyển vào tế bào keratinocyte. Mà Tretinoin lại giúp sản sinh nhiều tế bào này, từ đó sẽ giúp phân bổ lượng melanin đều đặn, tránh các tác dụng phụ của Hydroquinone. Thông thường, 2 thành phần này được dùng theo cách mix lại với nhau chứ không phải bôi từng lớp. Tuy nhiên, bạn phải hết sức lưu ý, đây là một liệu trình mạnh. Các bạn đừng dùng theo trend nha. Nên có kinh nghiệm skincare chuyên nghiệp và sự tham vấn chuyên môn hãy dùng.
6. Hydroquinone có dùng được cho phụ nữ mang thai và cho con bú không?
Lời khuyên từ Twins là không nên. Mặc dù hiện tại vẫn chưa có báo cáo nào về độ an toàn khi sử dụng Hydroquinone trong thai kỳ. Nhưng đây là giai đoạn rất nhạy cảm và cần phải chắc chắn về mọi thứ. Do đó, tốt hơn hết là bạn không nên sử dụng sản phẩm có chứa Hydroquinone trong cả thời gian mang thai và cho con bú. Cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này. Sau tất cả, Twins mong bạn nhận ra: một làn da đẹp trước hết là một làn da sáng, bóng, khoẻ. Mọi màu da đều có những nét đẹp riêng. Hãy chọn cho mình một phương pháp làm trắng an toàn và chấp nhận, yêu thương bản thân mình nhiều hơn bạn nhé.
Chúc bạn luôn hạnh phúc, tự tin và xinh đẹp với làn da của riêng mình!
Nội dung bài viết thuộc quyền sở hữu của Twins Skin. Vui lòng không copy dưới mọi hình thức.
Twins Skin là thương hiệu mỹ phẩm chuẩn khoa học đầu tiên của Việt Nam, tiên phong ứng dụng các công nghệ bọc tiên tiến, dựa trên nền tảng khoa học đã được nghiên cứu chứng nhận. Đội ngũ nghiên cứu của Twins Skin gồm: kỹ sư hoá sinh, kỹ sư hoá dược, sự tham vấn từ bác sĩ da liễu và bác sĩ da liễu thẩm mỹ.
Mỗi khách hàng đến với Twins Skin đều sẽ được thiết quy trình cá nhân hoá dựa vào lịch sử da và vấn đề da. Twins Skin cam kết đảm bảo quyền lợi của bạn với chính sách bảo hành/đổi trả miễn phí. Tìm hiểu và kết nối cùng Twins tại: