Vài năm gần đây, Bakuchiol đang nhận được rất nhiều sự quan tâm với những lời khen “có cánh” như: thành phần từ thiên nhiên có thể thay thế được Retinol. Thậm chí có người còn nói tốt hơn cả Tretinoin kê đơn. Bài viết sau đây sẽ mang đến cho bạn góc nhìn khách quan hơn về thông tin này.
Có gì trong bài viết này
Lịch sử của Bakuchiol
Bắt nguồn từ y học dân gian
Bakuchiol là một hoạt chất được trích xuất, tách ra từ hạt cây Babchi (Psoralea Corylifolia L.). Trong tiếng Việt loại cây này có tên là Bổ Cốt Chỉ/Hạt đậu miêu/ Hồ Phi Tử/ Thiên Đậu/ Phản Cố Chỉ/ Hồ Cố tử/ Cát Cố Cử,… Thật ra Bakuchiol còn được trích xuất từ một số cây khác như Pimelea Prupaceae (Hoa gạo anh đào), Piper Longum (Tiêu dài), Ulmus Davidiana… Nhưng nhiều hơn cả vẫn là từ Babchi.
Nguồn ảnh: YouMed
Sơ lược về Bổ Cốt Chỉ thì đây là giống thực vật có nguồn gốc từ Ấn Độ sau đó được di thực vào Trung Quốc. Hiện tại ở Việt Nam đã trồng được loại cây này. Trong y học dân gian, Bổ Cốt Chỉ được xem là rất đa năng với tác dụng nhuận tràng, trị liệt dương, lợi tiểu, trị đau đầu, mỏi gối,… Chưa kể rễ cây còn được sử dụng dưới dạng bột để trị hôi miệng, sâu răng. Lá cây dùng để điều trị tiêu chảy. Với làn da thì có thể kháng khuẩn, điều trị được các bệnh viêm da. Đặc biệt là những bệnh liên quan đến tụ cầu trắng và tụ cầu vàng. Đồng thời còn có tác dụng điều trị bệnh bạch biến và ngăn ngừa ung thư.
Ứng dụng trong làm đẹp ngày nay
Từ y học dân gian, về sau Bổ Cốt Chỉ ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Người ta thấy được rằng, loại cây này có nhiều công dụng đến vậy là nhờ công của hoạt chất Bakuchiol. Theo một số tài liệu, Bakuchiol lần đầu được phân lập bởi Mehta Et At vào năm 1966. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng vào năm 1973 thì Bakuchiol mới được tổng hợp. Và cũng lại có tài liệu nói rằng vào năm 1973 thì người ta đã tiến hành nghiên cứu Bakuchiol về khả năng kháng viêm ở trên chuột.
Nói tóm lại thì có khá nhiều luồng thông tin khác nhau về vấn đề này. Chỉ biết chắc là Bakuchiol lần đầu tiên được ứng dụng rộng rãi trong mảng làm đẹp và được thương mại hóa dưới cái tên Sytenol bởi công ty Setheon Ld vào năm 2007.
So sánh với Retinol về mặt lịch sử ứng dụng
Qua đó chúng ta có thể thấy, thông tin về lịch sử của Bakuchiol vẫn còn khá “mỏng” so với bề dày của Tretinoin hay Retinol – được ứng dụng từ thế chiến I. Cụ thể thì từ những năm 1960 – 1970 của thế kỷ 20, người ta đã sử dụng rộng rãi Tretinoin và Retinol trong điều trị da liễu rồi. Như vậy, nếu so sánh về bề dày nghiên cứu và ứng dụng thì Retinol vẫn sẽ trội hơn so với Bakuchiol.
Đương nhiên vẫn sẽ có trường hợp “tài không đợi tuổi”, hoạt chất của lứa sau hoàn toàn thay thế được lứa trước chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng nếu xét về mặt lịch sử ứng dụng thì phải nên cực kỳ cân nhắc. Bởi hoạt chất nào được ứng dụng lâu hơn thì sẽ có những feedback thực tế hơn từ thị trường với những cuộc nghiên cứu trên diện rộng. Để mọi người biết chắc chắn về mức độ hiệu quả của chúng. Điển hình là Tretinoin vẫn luôn được công nhận như một “tiêu chuẩn vàng” trong chăm sóc da, chống lão hóa. Và Retinol cũng được thừa hưởng những công dụng tuyệt vời này.
Còn với Bakuchiol lại có khá nhiều luồng ý kiến. Twins sẽ phân tích kỹ hơn ở phần dưới cho các bạn. Cùng đọc tiếp nào!
Các cuộc nghiên cứu so sánh Bakuchiol và Retinol
Có 2 cuộc nghiên cứu nổi bật:
Nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, bôi tại chỗ 2018
Link bài nghiên cứu: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/bjd.16918
Thế nào là nghiên cứu mù đôi?
Đầu tiên là cuộc nghiên cứu mù đôi để so sánh hiệu quả bôi tại chỗ của Retinol với Bakuchiol được công bố trên tạp chí Da liễu Anh năm 2018. Chính xác cuộc nghiên cứu này được tiến hành từ ngày 3/11/2017, tài trợ và phê duyệt bởi Khoa Da liễu của Đại học California – Davis.
Twins sẽ giải thích một chút về nghiên cứu mù đôi. Trong đó, cả người nghiên cứu và người tham gia nghiên cứu đều sẽ bị “làm mù”. Nghĩa là họ sẽ không thể cảm nhận được bằng mắt thường. Từ đó giúp giảm thiểu tối đa những vấn đề liên quan đến cảm tính trong cuộc nghiên cứu để đưa ra kết luận thật khách quan. Trong cuộc nghiên cứu mù đôi sẽ có bên thứ 3 tham gia và công bố kết luận sau cùng.
Nguồn ảnh: sciencepub.net
Đối tượng nghiên cứu
Trở lại với nghiên cứu trên, tổng cộng có 44 người tham gia. Nhưng đến sau cùng có 7 người bỏ cuộc nên chỉ thu thập được kết quả của nhóm còn lại. Cuộc nghiên cứu được tiến hành trong 12 tuần với 4 lần thăm khám. Các đối tượng được chọn lựa kỹ càng, nhóm bị loại bỏ sẽ bao gồm những người:
- Bôi/uống kháng sinh, Isotretinoin 6 tháng
- Dùng SA, Vit C, Vit E trong 14 ngày trước đó
- Phụ nữ mang thai, cho con bú
- Người đang hút thuốc lá hoặc chỉ mới bỏ thuốc trong 3 năm trở lại đây
- Phẫu thuật thẩm mỹ trên mặt trong 3 tháng đổ lại
Từ đó mới chọn ra những người có điều kiện phù hợp để thực hiện nghiên cứu.
Quá trình thực hiện nghiên cứu
Chúng ta cùng đi vào chi tiết nghiên cứu. Theo đó, người ta chia những đối tượng gồm cả nam lẫn nữ, độ tuổi 31-56 làm 2 nhóm. Cho họ lựa chọn ngẫu nhiên giữa 2 sản phẩm Retinol và Bakuchiol với chai lọ và chất kem hoàn toàn giống nhau, không thể phân biệt được. Đó là cách mà người ta “làm mù”. Sau đó cứ mỗi lần đến thăm khám, người tham gia sẽ phải thực hiện 2 công đoạn:
- Đầu tiên là hỏi đáp và chấm trên thang điểm từ 0-3 về cảm nhận khi thoa lên da. Trong đó, 0 điểm là cảm thấy thoải mái, 3 điểm là thấy nóng rát, đỏ ngứa châm chích trên da nghiêm trọng.
- Tiếp theo họ sẽ được chụp lại khuôn mặt của mình bằng thiết bị chuyên nghiệp và hiện đại với độ phân giải cao. Sau đó người bác sĩ được “làm mù” sẽ phân tích nhưng vẫn không biết bên nào là Bakuchiol bên nào là Retinol. Cuối cùng thì chuyển đến bên thứ 3 kết luận.
Kết quả sau nghiên cứu
Thế là sau cuộc nghiên cứu, người ta đưa ra kết luận như sau:
Cả Bakuchiol và Retinol đều làm giảm đáng kể nếp nhăn trên da. Thông tin này khi vừa công bố đã gây chú ý. Bởi Retinol trước giờ vẫn rất tuyệt vời trong việc cải thiện nếp nhăn. Nay lại có một thành phần làm được câu chuyện này mà còn đến từ thiên nhiên.
Về khả năng kích ứng, kết luận chỉ ra Bakuchiol dễ gây đỏ da hơn. Trong khi Retinol thì gây ra hiện tượng châm chích và nóng rát da nhiều hơn.
Nhận định về mức độ chính xác của nghiên cứu
Tuy nhiên, xét về tính khách quan thì nghiên cứu này vẫn còn một số điểm cần nhìn lại:
- Đầu tiên, khi thực hiện nghiên cứu, họ cho sử dụng Bakuchiol với tỉ lệ 0.5%, tần suất 2 lần/ngày. Còn Retinol cũng với cùng nồng độ nhưng tần suất 1 lần/ngày. Với sự chênh lệch này, bạn có thể thấy Bakuchiol đang được sử dụng gấp đôi so với Retinol để mang lại hiệu quả tương ứng. Do đó chúng ta cũng không nên vội kết luận Bakuchiol có thể mang lại tác dụng mạnh mẽ như Retinol được.
- Thứ hai, đến nay vẫn chưa có những cuộc nghiên cứu tiếp theo về Bakuchiol ở nồng độ cao hơn để so sánh với Retinol. Điều này là cần thiết. Bởi biết đâu Bakuchiol cũng giống như một số hoạt chất khác – nồng độ tăng nhưng tác dụng vẫn y cũ. Chẳng hạn như Benzoyl Peroxide, dùng tỷ lệ 5% hay 10% thì hiệu quả cũng như nhau. Chỉ có khác là 10% sẽ dễ gây kích ứng hơn thôi. Trong khi Retinol lại là một câu chuyện khác. Chúng ta có thể thấy rõ ràng sự chênh lệch hiệu quả giữa Retinol tỉ lệ 0.5% và 1%.
Chính vì thế, bạn nên xem nghiên cứu này như một tín hiệu khả quan, khoan hãy kết luận vội Bakuchiol mạnh mẽ như Retinol.
Nghiên cứu biểu hiện Gen – 2014
Mục đích thực hiện
Tiếp theo là cuộc nghiên cứu biểu hiện gen giữa Bakuchiol và Retinol năm 2014. Mục đích để xem 2 thành phần này liên kết được với thụ thể nào trong da. Từ đó có dẫn đến thay đổi gì về gen hay tác động vào sâu bên trong da hay không.
Như chúng ta đều biết, Retinol có thể liên kết được với thụ thể Retinoic Acid và được gọi là “chất giao tiếp tế bào” cũng nhờ đó. Do vậy nên Retinol mới có khả năng ức chế hoạt động làm đứt gãy các sợi Collagen và Elastin. Đồng thời còn giúp kích thích tổng hợp 2 loại Collagen trên da là loại I và loại III. Thế nên người ta cũng bắt đầu tìm hiểu xem Bakuchiol có tác động đến gen như Retinol hay không. Trước mắt thì đã thấy cấu trúc hóa học của 2 chất là hoàn toàn khác nhau.
Kết quả sau nghiên cứu
Và kết quả sau cùng của nghiên cứu trên như sau:
Bakuchiol có biểu hiện gen rất giống Retinol và thậm chí còn ức chế được 2 enzym quan trọng trong việc chống lão hóa da là MMP-1 và MMP-12. Ngoài ra, sự tăng sinh Collagen loại I và loại III của Bakuchiol cũng trội hơn.
Nhận định về mức độ chính xác của nghiên cứu
Tuy nhiên, xét về độ tin cậy thì lại có 3 điều cần cân nhắc đối với nghiên cứu này:
- Đầu tiên, đơn vị tài trợ là Setheon Ld – một công ty bán Bakuchiol.
- Thứ hai, nghiên cứu diễn ra trong ống nghiệm nên không thể đảm bảo đúng hoàn toàn so với thực tế áp dụng lên làn da người. Bởi Retinol phải chuyển hóa thành Retinoic Acid trên da người thì mới mang lại hiệu quả. Còn trên ống nghiệm có diễn ra quá trình này không thì vẫn là một dấu chấm hỏi.
- Thứ ba, người ta cũng sử dụng lượng Bakuchiol gấp đôi Retinol như nghiên cứu mù đôi trên.
Qua đó, với một cuộc nghiên cứu được thực hiện từ phía nhà sản xuất như vậy, Twins khuyên bạn chỉ nên nhìn nhận với tính chất tham khảo. Chúng ta vẫn cần nhiều cuộc nghiên cứu trên diện rộng hơn và từ bên thứ 3 để đảm bảo tính khách quan.
Kết luận rút ra từ hai cuộc nghiên cứu trên
Để kết luận, Twins xin phép trích dẫn lời của Bác sĩ da liễu Dr. Dray: “Người ta đã tận dụng cơ hội từ khả năng có thể của Bakuchiol để kiếm được lợi nhuận khủng. Nhưng những nghiên cứu về thành phần này còn rất sơ bộ và chưa được công nhận rộng rãi bởi những đơn vị uy tín.” Do đó, cô không thể kết luận Bakuchiol là người thay thế “đáng đồng tiền bát gạo” của Retinol.
Dr. Dray – Nguồn ảnh: Erika Vieira
Và thật sự đến lúc này, tác dụng của Bakuchiol đối với sức khỏe vẫn là đáng tin cậy hơn cả. Còn việc Bakuchiol có thể thay thế Retinol trong chăm sóc da thì vẫn nên xem lại. Nhưng công bằng mà nói, Bakuchiol vẫn có những công dụng nổi bật với làn da. Đọc tiếp phần dưới để biết rõ bạn nhé!
Công dụng nổi bật thật sự của Bakuchiol
Như Twins đã nói, Bakuchiol có đặc tính kháng viêm tốt nên sẽ rất thích hợp trong việc điều trị mụn. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra Bakuchiol giúp ức chế quá trình tổng hợp enzyme 5-α-reductase. Từ đó làm giảm hoạt động tăng tiết bã nhờn – yếu tố quyết định gây ra mụn.
Nguồn ảnh: Osmosis
Ngoài ra, Bakuchiol còn có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn mụn P.acnes. Đã có nghiên cứu cho thấy kết hợp 1% Bakuchiol và 2% Salicylic Acid (SA) sẽ mang lại hiệu quả trị mụn cao hơn so với chỉ dùng 2% SA.
Tóm lại, sau quá trình tổng hợp và chọn lọc thông tin, Twins nhận thấy Bakuchiol sẽ thích hợp với:
- Người có làn da vô cùng nhạy cảm, đã từng test đi test lại nhiều lần vẫn không thể dung nạp được Retinol.
- Người theo xu hướng clean beauty, thành phần từ thiên nhiên luôn là lựa chọn ưu tiên.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú.
Bởi ngay thời điểm này, kết luận Bakuchiol thay thế được Retinol vẫn chưa đủ sức thuyết phục, chứ đừng nói đến việc thay thế cả Tretinoin.
Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Chúc bạn sẽ tìm được sự lựa chọn phù hợp cho riêng mình!
Nội dung bài viết thuộc quyền sở hữu của Twins Skin. Vui lòng không copy dưới mọi hình thức.
Twins Skin là thương hiệu mỹ phẩm chuẩn khoa học đầu tiên của Việt Nam, tiên phong ứng dụng các công nghệ bọc tiên tiến, dựa trên nền tảng khoa học đã được nghiên cứu chứng nhận. Đội ngũ nghiên cứu của Twins Skin gồm: kỹ sư hoá sinh, kỹ sư hoá dược, sự tham vấn từ bác sĩ da liễu và bác sĩ da liễu thẩm mỹ.
Mỗi khách hàng đến với Twins Skin đều sẽ được thiết quy trình cá nhân hoá dựa vào lịch sử da và vấn đề da. Twins Skin cam kết đảm bảo quyền lợi của bạn với chính sách bảo hành/đổi trả miễn phí. Tìm hiểu và kết nối cùng Twins tại: