fbpx

PHỤ NỮ MANG THAI CHĂM SÓC DA SAO CHO HIỆU QUẢ – AN TOÀN?

skincare cho phụ nữ mang thai Twins Skin

Trong quá trình mang thai, cơ thể người phụ nữ phải trải qua một loạt thay đổi về thể chất. Do đó làn da không thể hoàn toàn tránh khỏi tác động của sự biến đổi này. Vậy phụ nữ mang thai sẽ phải đối mặt với những vấn đề da nào? Nên xử lý ra sao để vẫn đảm bảo an toàn cho mẹ và bé?

Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị kỹ càng nhất cho làn da ở giai đoạn này. Cùng Twins tìm hiểu ngay thôi nào!

Các vấn đề da liễu ở phụ nữ mang thai

Thông thường, phụ nữ mang thai sẽ trải qua tình trạng thay đổi diện mạo của da, gồm các đốm đen trên ngực, núm vú và bên trong đùi, tình trạng nám, xuất hiện lằn đen dọc theo bụng, hay rạn nứt da, mụn, tĩnh mạch mạng nhện và thậm chí là suy giãn tĩnh mạch. Trong đó, có nhiều biểu hiện được gây ra do sự thay đổi về hormon trong cơ thể:

  • Nổi mề đay
  • Tình trạng rạn, nứt da khi mang thai
  • Mụn trứng cá trong thai kỳ
  • Chứng tăng sắc tố

Twins sẽ giải thích rõ hơn cho bạn. Đó là do trong giai đoạn mang thai, rau thai sản sinh ra một loại hormone dinh dưỡng, được gọi là tiểu đơn vị beta gonadotropin màng nuôi ở người (beta-hCG). Khi đó, beta-hCG sẽ kích thích buồng trứng liên tục sản sinh ra hormone estrogen và progesterone.

Cũng chính sự tăng estrogen này, cộng với việc rau thai sản sinh thêm hormone kích thích tế bào tạo sắc tố (MSH) sẽ dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da vào cuối thai kỳ. Ngoài ra, ở phụ nữ có thai có sự gia tăng cả hormon androgen dễ gây nên tình trạng mụn. Đặc biệt là với những phụ nữ có rối loạn cân bằng hormone trước đó và đã có tiền sử bị mụn trứng cá cần can thiệp y khoa.

Phương pháp xử lý

Nổi mề đay

Tình trạng bị nổi mề đay khi mang thai với biểu hiện là những đám dát nhỏ màu đỏ trên da và gây ngứa, nóng rát. Các đám này có kích thước khác nhau, có thể rất nhỏ cho đến mảng lớn bám trên da. Phổ biến nhất là những tổn thương trên vùng da bụng, chân cánh tay, ngực và mông. Bạn cũng đừng quá lo lắng bởi tình trạng này sẽ hết sau khi sinh. Tuy nhiên trường hợp cấp tính phải cần được khám Bác sĩ sản khoa và da liễu để được kê đơn thuốc hợp lý từ các nhóm thuốc chống dị ứng dạng thoa và uống. Có thể sử dụng thuốc kháng histamin hoặc corticosteroid bôi tại chỗ để giải quyết cấp thiết triệu chứng của mề đay. Ngoài ra bạn cũng nên tắm nước ấm, đắp gạc mát, mặc đồ rộng, thoải mái và tránh sử dụng xà phòng trên vùng da bị mề đay.

Rạn da khi mang thai

Phụ nữ khi mang thai quá quen thuộc với tình trạng rạn da. Thông thường, rạn, nứt da sẽ xuất hiện nhiều nhết trên vùng da bụng, mông, ngực và đùi. Da trên cơ thể có khả năng co dãn và đàn hồi thông qua các sợi collagen và elastin. Các sợi này giúp cho da có thể căng ra và co lại như ý muốn và sẽ thoái hóa theo thời gian. Khi mang thai, không chỉ vùng bụng mà ngực, đùi và mông của chị em thường tăng quá nhanh về kích thước khiến da không thể dãn ra kịp, mặt khác các sợi đàn hồi collagen và elastin không được chuẩn bị để thích ứng kịp thời với kích thước tăng nên xảy ra tình trạng đứt gãy. Các vết đứt gãy liên tiếp sẽ tạo thành các vết rạn nứt, ban đầu sẽ có màu đỏ nâu do các mạch máu dưới da bị tổn thương, sau khi sinh và cơ thể hồi phục, các vết rạn sẽ chuyển thành sẹo màu trắng, đến lúc này thì việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn vì các vết rạn đã trở thành sẹo vĩnh viễn.

Rạn da không chỉ làm mất thẩm mỹ mà chúng còn làm cho làn da trở nên mỏng, yếu và nhão. Điều trị thông thường sau khi sinh thường không có hiệu quả tuyệt đối, ngay cả đối với laser và kem bôi ngoài da. Và mọi điều trị chỉ có thể tiến hành sau khi sinh vì đây là những can thiệp xâm lấn, không thích hợp áp dụng trong lúc mang thai.

Để hạn chế tình trạng này, bạn nên tập thể dục trước khi mang bầu để góp phần giúp da tăng độ đàn hồi. Ngoài ra bạn cũng có thể bổ sung collagen trước khi mang bầu trong khoảng thời gian 6 tháng và đặc biệt cần có chế độ ăn hợp lý lúc mang bầu để hạn chế tăng cân quá mức gây rạn da.

Mụn trứng cá trong thai kỳ

Sự thay đổi của hormone trong cơ thể khi mang thai có thể khiến mụn hoạt động mạnh mẽ trên da của bạn. Tuy nhiên, không phải thai phụ nào cũng bị mụn trứng cá. Thông thường, mụn sẽ bùng phát vào đầu thai kỳ. Sau đó, tình hình sẽ dần được cải thiện và đến những tháng cuối thì tình trạng mụn trầm trọng trở lại do các hormone lại biến động mạnh. Nếu trước đây bạn đã từng bị mụn, khả năng gặp phải triệu chứng này trong thai kỳ rất cao. Còn nếu bạn đang bị mụn thì các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn trong thai kỳ nhưng sẽ dần dịu lại khi các hormone ổn định.

Lưu ý trong điều trị

Có nhiều phương pháp để điều trị mụn, bao gồm sử dụng thuốc kê đơn và không kê đơn. Tuy nhiên bạn cần theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để an toàn cho sức khỏe của thai nhi và mẹ. Một số gợi ý dành cho bạn đó chính là benzoyl peroxide 2.5% thoa tại chỗ (ngoại trừ 3 tháng đầu) hoặc acid salicylic dưới 5%, acid azelaic dưới 10% và acid glycolic dưới 10% tại chỗ. Nhưng vẫn nhớ là phải tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc người có chuyên môn bạn nhé!

Bạn cũng cần đặc biệt lưu ý, không phải tất cả các loại thuốc (gồm thuốc có kê đơn và không kê đơn) đều an toàn với thai phụ. Trong đó có một số sản phẩm cần tránh trong thời kỳ mang thai như:

  • Sản phẩm trị liệu bằng hormon làm tăng nguy cơ dị tật trên thai nhi.
  • Isotretinoin (một dạng vitamin A) gây có thể dây dị tật thai nhi do Vitamin A tác động đến quá trình hình thành của thai nhi và ảnh hưởng đến cả não bộ. Thừa hoặc thiếu Vitamin A cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi.
  • Thuốc uống tetracycline (kháng sinh) gây biến chứng đổi màu răng ở trẻ khi sử dụng sau tháng thứ tư của thai kỳ.

Chăm sóc da tại nhà

Song song với điều trị, một quy trình chăm da cùng chế độ ăn uống khoa học là rất quan trọng. Nhanh tay cùng Twins lưu lại những điều quan trọng sau đây nào:

  • Làm sạch

Hãy chọn cho mình một loại sữa rửa mặt nhẹ nhàng. Sau khi rửa xong, đừng quên lau nhẹ nhàng bằng khăn sạch, không chà xát bạn nhé.

Giữ khu vực đường viền hàm dưới với đường viền tóc sạch sẽ vì những khu vực này là nơi rất dễ tích tụ bụi bẩn gây ra mụn.

Giặt bao áo gối thường xuyên để tránh tiếp xúc với bã nhờn còn đọng lại trên gối. Không nên rửa mặt quá 2 lần/ngày vì sẽ làm mất độ ẩm tự nhiên của da. Cuối cùng, tránh sử dụng nước nóng khi rửa mặt vì sẽ làm da bị khô.

  • Không cọ sát vùng mụn

Khi rửa mặt, đừng kỳ cọ vùng bị mụn vì nó có thể khiến tình hình trở nên tệ hơn. Trong thời gian mang thai, da của phụ nữ sẽ nhạy cảm đến nỗi mà chỉ chà nhẹ cũng có thể tạo ra thương tích. Vì vậy, việc chà xát quá mức sẽ khiến da bị mất đi lớp bảo vệ tự nhiên trên da, khiến cho tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc nặn mụn không đúng cách và không đảm bảo vệ sinh trong lúc này cũng có thể khiến da bị sẹo vĩnh viễn. Do đó, bạn chỉ nên lau mặt nhẹ nhàng bằng khăn sạch, mềm thôi nhé!

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời

Việc tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời không chỉ gây rất nhiều vấn đề da như lão hóa, sạm da, làm trầm trọng hơn tình trạng mụn trứng cá. Trong thời gian này, khi ra ngoài, bạn nên sử dụng kem chống nắng vật lý bởi chúng có đặc tính dịu nhẹ, an toàn. Quan trọng, nên lựa chọn loại kem chống nắng nào phù hợp với da nhờn và da bị mụn.

  • Hạn chế trang điểm

Bạn nên hạn chế trang điểm khi đang bị mụn trứng cá. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải làm điều này, hãy lựa chọn những mỹ phẩm không chứa gốc dầu. Tẩy lớp trang điểm càng sớm càng tốt nữa nhé.

  • Chế độ dinh dưỡng khoa học

Lời khuyên dành cho bạn lúc này chính là nên hạn chế ăn đồ ngọt, cay, nóng, uống nhiều nước. Tránh các loại thực phẩm nướng và chiên vì chúng chứa rất nhiều chất béo không bão hòa, khiến da dễ bị mụn. Thay vì sử dụng đường, hãy chuyển sang dùng mật ong. Ăn nhiều loại hạt, trái cây tươi, rau xanh, cam để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Trước khi thay đổi chế độ ăn, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của bản thân và em bé nữa nha.

Bệnh lý tăng sắc tố( nám, tàn nhang…) ở phụ nữ mang thai

Biểu hiện

Bệnh lý tăng sắc tố như nám da và tàn nhang là tình trạng xuất hiện những vùng tối màu trên da, khoảng 40% phụ nữ mang thai sẽ gặp phải tình trạng này.

Sự thay đổi này còn được gọi là “mặt nạ thai kỳ” với dấu hiệu thường bắt đầu từ khoảng tháng thứ 3 trở đi. Lúc này, trên làn da phụ nữ mang thai sẽ xuất hiện các đốm, chấm, mảng hội tụ có màu nâu hoặc xám nâu, tập trung nhiều tại những vùng da thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như gò má, sống mũi, trán, cằm, môi, thậm chí là tay hoặc cổ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân khởi phát của nám da trong thai kỳ là do sự gia tăng đột biến của các yếu tố nội tiết tố nữ như estrogen và progesterone. Mức độ của các nội tiết tố này tăng vọt cũng như lưu lượng máu tăng cao sẽ kích thích sự hình thành của các phân tử tyrosine và melanocytes dẫn đến tăng sinh sản xuất các hắc sắc tố và biểu hiện thành đốm, mảng nám bên ngoài da.

Những biểu hiện này phổ biến ở phụ nữ da màu hoặc những người gốc châu Á và châu Phi – những người đã có sẵn những sắc tố da. Ngoài ra, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể làm cho nám da trong thời kỳ mang thai tồi tệ hơn. Thêm vào đó, phụ nữ tăng cân quá nhiều trong giai đoạn mang thai cũng có nguy cơ nám da cao hơn so với những người tăng cân vừa. Do tế bào mỡ có khả năng sản sinh estrogen, gây tăng hàm lượng estrogen trên toàn hệ thống.

Tuy nhiên, tình trạng nám, tàn nhang khi mang thai có thể chỉ là tạm thời và sẽ giảm sau khi sinh con hoặc sau thời kỳ cho con bú. Bạn đừng quá hốt hoảng nhé! Và sau đây là một vài lời khuyên hữu ích dành cho bạn:

Biện pháp hạn chế nám thời kì mang thai

  • Bổ sung axit folic:

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thiếu hụt folate có thể liên quan đến sắc tố da. Vì vậy, bạn nên bổ sung đầy đủ lượng axit folic cho cơ thể rất tốt cho sức khỏe thai kỳ và chăm sóc da. Các loại rau xanh thẫm, ngũ cốc, bánh mì, cam, bơ,… chứa nhiều axit folic nên thường xuyên bổ sung trong thực đơn ăn uống hàng ngày.

  • Tránh ánh nắng mặt trời:

Tia UVA và UVB là những nguyên nhân chính kích thích sự hình thành các sắc tố melanin gây tăng sắc tố da. Do vậy, phụ nữ mang thai nên tránh ánh nắng mặt trời vào thời điểm gay gắt nhất của ngày là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều cũng như bảo vệ da bằng cách che chắn cho da và dùng kem chống nắng khi ra ngoài nắng.

Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF cao, ít nhất là 15 nhưng tốt nhất là trên 30 cho da mặt cả ngày và duy trì suốt cả tuần, ngay cả khi không ra ngoài vì các tia có hại như UVA có thể xuyên qua các cửa sổ và gây hại cho làn da mẹ bầu. Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, bạn đừng quên che chắn cho làn da của mình bằng cách đeo kính râm, khẩu trang, đội mũ rộng vành và mặc áo chống nắng nhé

Phương pháp trị nám KHÔNG nên dùng cho phụ nữ đang mang thai

  • Thay da hóa học: các hoạt chất thay da hóa học được đánh giá là không an toàn để sử dụng trong thai kỳ vì chúng chứa các chất hóa học khác nhau có thể xâm nhập vào da đi vào máu của người mẹ. Thậm chí cuối cùng là đi vào trong cơ thể của bé.
  • Axit alpha hydroxy (axit lactic và axit glycolic), axit salicylic khi dùng ở nồng độ cao và retinoid đều có khả năng gây hại.
  • Điều trị Laser: phương pháp này cũng không tốt cho cả mẹ và bé, vì chúng có thể gây kích ứng da, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai.
  • Thuốc kem và thuốc mỡ kê đơn: hầu hết các loại kem chống tăng sắc tố da theo toa chứa 4% hydroquinone cùng với các thành phần khác như axit retinoic (tretinoin) đều được khuyến cáo không nên dùng cho phụ nữ mang thai. Bởi tỷ lệ phần trăm cao của các hoạt chất này có thể dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng cho thai nhi.

Các thành phần mỹ phẩm phụ nữ mang thai cần lưu ý

Phụ nữ mang thai vẫn có quyền làm đẹp và chăm sóc da như mọi người. Tuy nhiên, trong giai đoạn nhạy cảm này, bạn cần thận trọng trong việc sử dụng các loại mỹ phẩm để đảm bảo an toàn cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Sau đây là một số thành phần trong mỹ phẩm mà phụ nữ mang thai cần hết sức lưu ý:

Một số hoạt chất trong kem chống nắng

Một số chất như avobenzone, oxybenzone, homosalate, methyl anthranilate… là tác nhân gây rối loại nội tiết tố. Từ đó dẫn đến các vấn đề thần kinh, chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), béo phì ở trẻ.

Phụ nữ có thai có thể ưu tiên kem chống nắng vật lý có chứa Titanium Dioxide, Zinc Oxide an toàn hơn với thai nhi, vừa bảo vệ làn da tối ưu.

Nhóm Retinoids

Retinoids còn được biết với tên khác là vitamin A Acid, các dạng thông dụng sử dụng trong da liễu thẩm mỹ là retinol, tretinoin, adapalene… chất này là một dạng của vitamin A. Sự thật rằng một lượng vừa đủ chất này rất cần thiết cho sự phát triển của phôi thai. Hơn nữa, retinoids là một “trợ thủ đắc lực” để bảo vệ làn da khỏi vấn đề lão hóa. Tuy vậy, trong khi mang thai vitamin A acid sẽ nằm trong chống chỉ định với phụ nữ có thai đặc biệt là chế phẩm uống. Bởi người ta đã phát hiện có sự tương quan giữa việc hấp thụ quá nhiều vitamin này với dị dạng phần đầu, tim, cột sống và não của thai nhi.

Vậy còn phụ nữ cho con bú? Sau đây Twins sẽ cung cấp thêm một số thông tin liên quan đến việc dùng Retinol cho phụ nữ cho con bú. (Còn với Tretinoin thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn nhé)

Tháng 4/2016, Ủy ban bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng của châu Âu (European Commission) đã đưa ra thông tin cụ thể về hàm lượng vitamin A tối đa nên tiêu thụ đối với phụ nữ đang cho con bú là 1300μg RE/ngày. Con số này được tính trên tổng lượng Vitamin A được tiêu thụ qua thức ăn, thuốc, mỹ phẩm.

Dựa vào khả năng thẩm thấu vitamin A được cho là khoảng từ 5-8% phụ thuộc vào công thức của sản phẩm, European Commission đã quy định nồng độ Retinol tối đa được sử dụng hằng ngày trong mỹ phẩm như sau:

  • Kem bôi mặt, kem bôi tay, các sản phẩm leave-on và rinse-off: 0,3% Retinol ~360 μg RE

Như vậy có thể thấy đối với phụ nữ đang cho con bú, sau 6 tháng, bạn đã có thể dùng Retinol 0.5% với tần suất vừa phải khoảng 2 lần/tuần. Với điều kiện việc hấp thụ vitamin A qua thức ăn và thuốc của bạn cũng phải được kiểm soát để không cộng hưởng làm vượt mức hàm lượng tối đa là được.

Gợi ý dành cho bạn: BioGenic Retinol nhà Twins, vừa có chất lượng ổn định lại giảm kích ứng tối đa. Đặc biệt phù hợp với làn da đang khá nhạy cảm của phụ nữ đang cho con bú (sau 6 tháng). Bạn xem thêm tại đây nhé: https://bit.ly/35NnmSb

Nguồn: https://ec.europa.eu/health/scientific_committees/consumer_safety/docs/sccs_o_199.pdf

Benzoyl Peroxide và BHA nồng độ cao trên 5%

Khi mang thai, phụ nữ thường trải qua sự dao động hormone và tăng sản xuất androgen, dẫn đến sinh ra mụn trứng cá. Điều đáng nói hơn, thành phần trong các sản phẩm trị mụn là benzoyl peroxide trên 5% có thể tác động xấu đến thai nhi. Ngoài ra thì axit salicylic trên 5% cũng có thể gây ra hậu quả tiêu cực. Lúc này, bạn nên thay thế bằng những sản phẩm có tính axit dịu nhẹ hơn như: axit glycolic, axit lactic, axit mandelic ở nồng độ dưới 10%. Chúng vừa có tác dụng làm sạch da nhưng đồng thời an toàn cho phụ nữ mang thai.

Paraben

Chất này cũng được sử dụng nhiều trong các loại mỹ phẩm để hạn chế vi khuẩn phát triển, đồng thời giúp kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm. Điều đáng nói là chất này rất dễ gây kích ứng da. Mặc dù chưa có bằng chứng xác thực nào cho thấy paraben gây nên bệnh ung thư, nhưng việc tìm thấy thành phần này trong các tế bào ung thư khi xét nghiệm cũng là điều đáng để cân nhắc.

Chưa kể đã có một nghiên cứu đăng tải trên Journal of Chemistry năm 2016 chỉ ra rằng, khi phụ nữ mang thai tiếp xúc với một loại paraben có tên là BPA sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi, cân nặng của trẻ sau sinh, thậm chí là sảy thai.

Nguồn: https://www.hindawi.com/journals/jchem/2016/1529071/

Hydroquinone

Hydroquinone là hoạt chất được dùng nhiều trong các loại mỹ phẩm làm trắng da, mờ thâm nám – một vấn đề phụ nữ mang thai rất hay gặp phải. Tuy nhiên bạn cần biết, Hydroquione nằm trong danh mục những chất không được dùng cho phụ nữ mang thai đã được các bác sĩ cảnh báo. Nếu muốn dùng, hãy chờ qua giai đoạn nhạy cảm này đã bạn nhé!

Muối của nhôm (Aluminium)

Nhiều loại lăn khử mùi trên thị trường hiện nay có chứa thành phần này. Tuy nhiên, FDA Hoa Kỳ đã khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên dùng bất kỳ loại mỹ phẩm nào có chứa muối nhôm.

Tinh dầu

Mặc dù một số loại tinh dầu vẫn được khuyến cáo nên dùng cho phụ nữ mang thai nhưng phụ nữ khi có thai cần cẩn trọng với nhiều loại trong số đó. Bởi chúng có thể gây ra một số tác dụng bất lợi. Chẳng hạn như tinh dầu xô thơm và hoa nhài có thể làm tử cung bị co thắt, tinh dầu hương thảo còn được biết là gây tăng huyết áp.

Silicones và siloxanes

Trong nhóm này còn phải kể đến Cyclomethicone và các thành phần có đuôi -cone, -conol, -siloxane, ví dụ: cyclotetrasiloxane.

Đây là nhóm chất làm mềm, giữ ẩm và dung môi hoà tan được sử dụng rộng rãi trong kem dưỡng ẩm, trang điểm, các sản phẩm chăm sóc tóc,… và được liệt kê vào các thành phần chống chỉ định khi mang thai. Điều này là do chúng có thể làm suy yếu khả năng thụ thai của con người. Gây ra các khối u tử cung và có hại đến việc sinh sản và hệ miễn dịch.

Kim loại nặng – Tạp chất từ nguyên liệu và quá trình sản xuất kém an toàn

Cụ thể ở đây là chì, thuỷ ngân, Cadmium, Asen (Thạch tín), Nickel (kẽm) và các kim loại nặng khác. Chúng chủ yếu đến từ những mỹ phẩm như son môi, chì kẻ viền môi, chì kẻ mắt, chì kẻ chân mày, mascara, và phấn màu mắt…sản xuất với công nghệ kém chất lượng, kém an toàn, nguyên liệu không được phân loại tuyển chọn. Ngoài ra, còn có lượng nhỏ trong thức ăn, nước uống, không khí, bụi bẩn và thuốc lá…

Một số tác hại của nhóm chất này đó chính là chì gây hại thần kinh, dễ dàng xâm nhập vào não bào thai. Thủy ngân phá hoại thận và hệ thần kinh, và có thể cản trở sự phát triển não bộ của thai nhi và trẻ em. Cadmium, Nickel và Arsenic có khả năng gây ung thư.

Tổng kết

Nói tóm lại:

GIAI ĐOẠN 3 THÁNG ĐẦU là giai đoạn mà phôi thai mới hình thành và dễ chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Chính vì vậy, thời điểm này, phụ nữ mang thai nên hạn chế dùng các loại mỹ phẩm khác nhau.

Khi chọn mua mỹ phẩm, bạn nên ưu tiên các loại sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn, đồng thời quan tâm nhiều đến thương hiệu, mức độ uy tín của nhà sản xuất.

Ngoài ra, cũng không nên trang điểm quá đậm và phải tẩy trang cẩn thận sau khi trang điểm. Hãy kết hợp với một chế độ dinh dưỡng hợp lý để có được làn da đẹp tự nhiên.

Làm đẹp luôn là nhu cầu thiết yếu với mọi phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần phải cẩn trọng hơn trong việc chọn mua và sử dụng các loại mỹ phẩm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và thai nhi. Bạn nhớ nhé.

Nguồn ảnh: Unsplash

Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết bổ ích kỳ sau. Chúc bạn luôn xinh đẹp và hạnh phúc!

Nguồn: Cố vấn chuyên môn Twins Skin – Bác sĩ Đỗ Thành tổng hợp, bình luận và biên tập.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *