Hàng rào bảo vệ da có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe làn da. Theo cơ chế tự nhiên, đây là lá chắn bao gồm nhiều lớp màng kiên cố và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau về mặt hóa – sinh, thực hiện những chức năng sinh lý khác nhau, hướng đến mục đích bảo vệ da khỏi những tác nhân gây hại.
Tuy nhiên, hàng rào bảo vệ da cũng bị tổn thương bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và nếu không sửa chữa kịp thời, sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho làn da. Mời bạn cùng Twins tìm hiểu rõ hơn về hàng rào bảo vệ da cũng như cách thức duy trì trạng thái tích cực của nó qua nội dung dưới đây nhé!
Có gì trong bài viết này
I/ Hàng rào bảo vệ da là gì?
Da của chúng ta bao gồm 3 phần: lớp biểu bì, trung bì và hạ bì (lớp mỡ dưới da).
– Lớp biểu bì bao gồm các tế bào biểu xếp tầng theo thứ tự từ trong ra ngoài: lớp đáy (SB), lớp gai (SS), lớp hạt (SG) và lớp sừng (SC).
– Trung bì bao gồm collagen, elastin và ma trận ngoại sợi tạo nên sự săn chắc và đàn hồi cho da. Ngoài ra còn có các tế bào miễn dịch như đại thực bào, tế bào Lympho (T và B), tế bào Mast… Đây còn là nơi chứa mạch máu và mạch bạch huyết, rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng và đáp ứng miễn dịch da. Lớp biểu bì và trung bì được ngăn cách với nhau bởi lớp đáy.
– Hạ bì (lớp mỡ dưới da) là phần cuối cùng của da, là nơi lưu trữ chất béo và giữ nhiệt cho cơ thể.
Kể ra thì khá đơn giản, nhưng khi đi sâu vào những vi điểm của làn da, bạn sẽ thấy đó là những cấu trúc vô cùng phức tạp. Nhưng cũng nhờ vậy mà cơ thể chúng ta có được một hệ thống bảo vệ đắc lực khỏi các tác nhân ngoại lai như vi khuẩn, mầm bệnh, xenobiotic (những chất tổng hợp bất lợi) hoặc tia cực tím.
Ngoài ra, da đảm bảo cân bằng nội môi bằng cách ngăn ngừa sự mất nước và các chất dinh dưỡng của cơ thể. Để thực hiện được những nhiệm vụ quan trọng này, phải nhắc tới sự hiện diện của một hệ thống rào cản phức tạp được được gọi là hàng rào bảo vệ da.
Các loại hàng rào bảo vệ da
Một số tài liệu, từ nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau mà các tác giả sẽ phân chia thành những loại hàng rào bảo vệ da khác nhau. Sau khi nghiền ngẫm và tham khảo ý kiến của các chuyên gia cũng như bác sĩ da liễu, Twinsskin thấy thỏa mãn với cách được chia thành 5 hàng rào cơ bản:
– Hàng rào vật lý
– Các mối nối TJ (Tight Junctions)
– Hàng rào hóa học
– Hàng rào sinh học
– Hàng rào miễn dịch
Chức năng của hàng rào bảo vệ da
Mỗi hàng rào sẽ có những chức năng chuyên biệt khác nhau nhưng không hoạt động riêng biệt mà chúng có ảnh hưởng, liên kết và phối hợp nhịp nhàng với nhau, hướng đến mục đích bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại và giữ cho các chức năng sinh lý trong da diễn ra bình thường, da đạt trạng thái khỏe mạnh tích cực.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng đi vào tìm hiểu cụ thể về từng hàng rào bảo vệ da cũng như chức năng hoạt động của chúng nhé!
1. Hàng rào vật lý
Hàng rào vật lý của da là hàng rào kiên cố nhất giúp chống lại sự xâm nhập của tác nhân gây hại từ bên ngoài. Hàng rào này chính là lớp sừng của da. Nó bao gồm các tế bào sừng corneocytes mất nhân (được ví như những viên gạch) và lipid gian bào nằm len lỏi giữa các tế bào sừng (được ví như vữa kết nối).
Tế bào sừng corneocytes bao gồm:
+ Keratin macrofibrils (các sợi keratin).
+ Natural Moisturizing Factors – NMF (các nhân tố giữ ẩm tự nhiên): Là hỗn hợp nhiều chất hút ẩm nhỏ như axit amin, axit lactic, axit hyaluronic, ceramide, peptide, urê, PCA…
Các nhân tố này rất cần thiết cho quá trình hydrat hóa ở lớp sừng, cân bằng nội môi, bong vảy và tạo nên độ đàn hồi cho da. NMF được hình thành từ quá trình hút ẩm và phân giải protein filaggrin thành các phân tử nhỏ.
Lipid gian bào được tổ chức dưới dạng phiến mỏng, chủ yếu bao gồm ceramides, cholesterol và axit béo tự do. Tất cả tạo thành rào cản ngăn sự khuếch tán nước từ trong da ra ngoài bề mặt da và cũng đóng vai trò quan trọng giúp các tế bào sừng gắn kết chặt chẽ với nhau hơn.
Ở trạng thái khỏe mạnh, các tế bào sừng có được sự liên kết vật lý chặt chẽ với nhau bằng cấu trúc xếp lớp đồng đều và nhờ thêm sự kết nối của các cầu nối gian bào desmosome. Từ đó tạo thành một lớp bảo vệ khăng khít, không thấm nước, gần như chống lại sự xâm nhập các vi sinh vật gây bệnh, chống chịu sự tác động của tia UV lên làn da và cơ thể.
Lớp sừng sẽ bị phân hủy bởi những enzyme phụ trách bong vảy ở trên da, từ đó tế bào sừng ở những lớp ngoài cùng sẽ dễ dàng rơi ra khỏi về mặt da, duy trì một kết cấu da đồng đều, mịn màng.
Các phương pháp như tẩy da chết hay peel, thực tế là đang tác động tới lớp hàng rào vật lý này, làm cho chúng mỏng hơn. Do đó, bạn chỉ nên thực hiện ở mức độ vừa phải, nếu không sẽ đẩy da vào “thế khó” là mất đi lớp hàng rào vật lý.
2. Các mối nối cơ học TJ
Tight Junctions (TJ) là các mối nối giữa các tế bào trong biểu mô và nội mô. Chúng bao gồm nhiều loại protein khác nhau (Claudin, Constludin…), các phân tử kết dính (JAM) và các protein mảng bám (ví dụ: protein zonula constludens 1-3, MUPP-1 và cingulin). Chúng được kết nối với khung tế bào sợi Actin.
Chức năng của TJ là “niêm phong” các kẽ hở giữa các tế bào để hạn chế sự di chuyển của các phân tử có trong gian bào. Hơn nữa, TJ còn tham gia vào quá trình biệt hoá, tăng sinh, phân cực tế bào và tham gia vào quá trình truyền tín hiện của tế bào.

3. Hàng rào hóa học
Hàng rào hoá học chủ yếu bao gồm các peptide kháng khuẩn (AMP). Ví dụ như β-defensins, psoriasin và lysozyme, có hoạt tính kháng khuẩn khác nhau, trực tiếp chống lại vi khuẩn và nấm. Chúng được sản xuất bởi các tế bào sừng và tế bào miễn dịch, có khả năng bảo vệ da bằng cách chống viêm và tham gia vào quá trình chữa lành vết thương.

Lớp màng axit mantle cũng là một phần của hàng rào hóa học. Ở trạng thái khỏe mạnh, các axit béo tự do có trong lớp axit mantle giúp duy trì độ pH thấp (khoảng từ 4,5 – 5,5). Độ pH này có thể ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh.
Bên cạnh đó, các axit béo tự do thuộc lớp axit mantle còn tăng cường khả năng miễn dịch của da bằng cách kích thích sự biểu hiện của β-defensin 2 (hBD-2) ở người. Đây là một trong những peptide kháng khuẩn dồi dào nhất trên da người.

Ngoài ra, các dịch nhầy do tế bào biểu mô (epithelial cells) tiết ra cũng thuộc hàng rào hóa học, có khả năng ngăn cản vi khuẩn bám lấy tế bào. Vi khuẩn theo luồng dịch đi lên trên cho đến khi chúng mắc vào dịch tiết miệng của tế bào và bị “khạc” ra hoặc bị tế bào nuốt vào trong.

Ngoài ra, các dịch nhầy do tế bào biểu mô (epithelial cells) tiết ra cũng thuộc hàng rào hóa học, có khả năng ngăn cản vi khuẩn bám lấy tế bào. Vi khuẩn theo luồng dịch đi lên trên cho đến khi chúng mắc vào dịch tiết miệng của tế bào và bị “khạc” ra hoặc bị tế bào nuốt vào trong.
4. Hàng rào sinh học
Vì tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên da là nơi cư trú của một bộ sưu tập đa dạng các vi sinh vật – bao gồm vi khuẩn, nấm và vi rút – cũng như bọ ve. Chính hệ sinh thái vi sinh vật này đã tạo nên hàng rào sinh học bảo vệ da. Nó bao gồm hai nhóm:
– Vi sinh vật thường trú: là một nhóm vi sinh vật tương đối cố định (hệ vi sinh vật cốt lõi) thường xuyên được tìm thấy trong da và sẽ tự tái lập sau khi bị xáo trộn. Hệ vi sinh vật lõi ở da thường vô hại và hầu hết có thể mang lại một số lợi ích cho vật chủ.
– Các vi sinh vật tạm trú: không xem da là nơi cư trú lâu dài, mà phát sinh từ môi trường ngoài, tồn tại khoảng thời gian ngắn (thường là tính bằng giờ hoặc ngày) trước khi biến mất.
Hầu hết các vi sinh vật sống trên da chung sống “hòa bình” với nhau trong điều kiện trạng thái ổn định. Chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình cân bằng nội môi và ổn định hệ thống miễn dịch da. Hệ vi sinh vật này còn điều chỉnh sự biểu hiện của các yếu tố bẩm sinh khác nhau, bao gồm interleukin 1a (IL-1α) ; các thành phần của bổ thể; và các peptide kháng khuẩn (AMP) có trong hàng rào hóa học.
Một số ví dụ về các vi sinh vật thường ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh và duy trì sự ổn định của cộng đồng cư trú trên da bao gồm P. acnes và S. epidermis. Cả hai đều đóng vai trò kiểm soát sự phát triển của mầm bệnh như S. pyogenes hoặc S. aureus. P. acnes cũng đã được chứng minh là làm giảm sự phát triển của S. aureus kháng Methicillin (MRSA).
Cả hai đều tạo ra các phân tử kháng khuẩn khác nhau: P. acnes giải phóng axit béo từ lipid bã nhờn làm chậm sự phát triển của vi khuẩn trên bề mặt da và thúc đẩy sự phát triển của các loại nấm men ưa mỡ bao gồm các loài Malassezia. Trong khi đó, S. epidermidis gây rò rỉ màng lipid vi sinh vật và hợp tác với việc sản xuất peptide kháng khuẩn (AMPs) của con người để giảm số lượng các vi khuẩn khác.
Ngoài ra, hàng rào sinh học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố và duy trì chức năng của các hàng rào khác. Ví dụ:
Một nghiên cứu cho thấy các vi khuẩn cộng sinh trên da người giúp truyền tín hiệu tới các thụ thể aryl hydrocarbon (AHR) của tế bào sừng để duy trì kiểm soát và cân bằng nội môi của hàng rào vật lý nói riêng và hàng rào bảo vệ da nói chung ở chuột.

Có thể nói rằng, không có vi sinh vật nào hoàn toàn có lợi hay có hại cho da, vì ngay cả những vi sinh vật bị đánh giá là liên quan mật thiết tới những vấn đề da như nấm, vi khuẩn C.acnes, demodex thì vốn dĩ chúng vẫn luôn tồn tại trên da, tham gia vào nhịp sống của hệ sinh thái sôi động những sinh vật siêu nhỏ trên da của chúng ta để duy trì sức khỏe làn da ở trạng thái cân bằng.
Và một số chủng vi sinh vật chỉ thực sự trở thành nguyên nhân gây hại khi những môi trường vật lý, hóa học trên da bị thay đổi, khiến cho trạng thái “cân bằng” về số lượng và mối tương quan giữa các nhóm vi sinh vật bị mất đi, đó là lúc một nhóm những vi sinh vật sẽ phát triển mạnh hơn các nhóm còn lại, gây ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe làn da.
5. Hàng rào miễn dịch
Hàng rào miễn dịch da là sự giao tiếp và hợp tác chặt chẽ giữa nhiều loại tế bào khác nhau, ở các lớp da khác nhau. Nó bao gồm:
– Các tế bào mô đệm (tế bào sừng, nguyên bào sợi, tế bào nội mô và tế bào mỡ).
– Các tế bào có nguồn gốc từ tủy xương (tế bào đuôi gai, đại thực bào, tế bào tiêu diệt tự nhiên, tế bào mast, tế bào T, và những tế bào khác).

Nhìn vào hình bên trên chúng ta có ở hàng trên cùng:
– Tế bào Langerhans, tế bào đuôi gai ở da, đại thực bào, các tế bào bẩm sinh khác (tế bào mast, tế bào NK, tế bào NKT, tế bào γδ-T) là phòng thủ đầu tiên cảm nhận được nhiễm trùng hoặc tổn thương, sau đó bắt đầu phản ứng theo bẩm sinh, nhanh chóng thông báo cho các thụ thể khác. Nhóm này cùng với tế bào T tạo thành hệ thống miễn dịch da và duy trì ở trạng thái ổn định.
– Các quần thể tế bào mô đệm, chẳng hạn như tế bào sừng, nguyên bào sợi và tế bào nội mô, cũng tham gia vào các phản ứng miễn dịch bằng cách cảm nhận tổn thương mô và tạo ra các cytokine gây viêm.
Ở hàng bên dưới:
Khi kích hoạt hệ thống miễn dịch thường trú trên da, các tế bào miễn dịch bổ sung được huy động để giúp ngăn chặn, chống lại nhiễm trùng và loại bỏ các mảnh vụn tế bào (thực bào) để hỗ trợ quá trình chữa bệnh. Chúng bao gồm các tế bào như bạch cầu trung tính và bạch cầu ái toan, cũng như các quần thể thích nghi như tế bào T và tế bào B.
Vị trí của các tế bào miễn dịch trong cấu trúc da bình thường:
– Lớp biểu bì chứa các tế bào Langerhans để cung cấp khả năng giám sát miễn dịch. Tế bào T nhớ cũng được giữ lại trong lớp biểu bì, có lẽ để phát hiện sớm và kiểm soát các mầm bệnh cũ xâm nhập. Tế bào sừng có thể cảm nhận được mầm bệnh hoặc các tín hiệu liên quan đến tổn thương khác và truyền thông tin này đến hệ thống miễn dịch thông qua các cytokine.
– Lớp trung bì chứa các tế bào đuôi gai, tế bào T và nguyên bào sợi. Tế bào T được tuyển chọn từ máu và vào lớp trung bì và có thể là lớp biểu bì, tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng/ tổn thương. Việc tuyển dụng các tế bào đến các mô ngoại vi đòi hỏi phải có sự huy động từ chính mô bị xâm nhập. Các tế bào nội mô mạch máu, hình thành nên các bức tường của mạch máu, nơi mà các tế bào miễn dịch sẽ đi qua.

Có thể thấy rằng tạo hóa đã ban cho làn da của chúng ta hệ thống những tế bào miễn dịch nằm tầng tầng lớp lớp từ ngoài vào trong, nhờ vậy làn da có thể chống chọi lại với những tác nhân bất lợi xâm nhập vào cơ thể qua da, giúp con người sống khỏe mạnh. Nhưng cũng có những khi, hệ thống những tế bào này hoạt động quá hăng hái.
II/ Trạng thái tổn thương của các hàng rào bảo vệ da
1. Da bị mất hàng rào bảo vệ có đặc điểm gì
Hàng rào bảo vệ da khoẻ mạnh:
Hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh có cấu trúc biểu mô ổn định, các hoạt động sinh lý trên da diễn ra nhịp nhàng tự nhiên. Sự hoạt động ổn định của các hàng rào bảo vệ da ngăn không cho độ ẩm bị thất thoát ra ngoài cũng như phòng tránh được sự xâm nhập của các nhân tố ngoại lai nguy hại cho da.
Biểu hiện ở việc da chúng ta luôn trong trạng thái đủ ẩm, quá trình tăng sừng và rụng sừng diễn ra nhịp nhàng. Từ đó, da được săn chắc, đàn hồi, trẻ khỏe tự nhiên, bóng mịn và hạn chế được các tình trạng kích ứng và nhạy cảm.
Hàng rào bảo vệ da bị tổn thương:
Ngược lại với hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh, ở hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, tổn thương, chức năng của các hàng rào bảo vệ da đã bị suy yếu:
– Không có sự liên kết chặt chẽ giữa các tế bào sừng, hình thành nên các kẽ hở vật lý, tạo điều kiện cho tác nhân ngoại lai và khi khuẩn gây hại xâm nhập vào sâu trong da.
– Đồng thời, nước trong da sẽ theo các khe hở khuếch tán ra môi trường ngoài. Lipid gian bào, các nhân tố giữ ẩm tự nhiên NMF và các thành phần có trong màng hydrolipid cũng theo đó bị thất thoát.
– Da không giữ được nước, thiếu lipid sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sinh lý tự nhiên của da. pH của lớp axit mantle thay đổi làm rối loạn cân bằng của hệ vi sinh vật trên da, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại phát triển và kích hoạt mạnh mẽ các cytocyte, làm rối loạn hệ thống miễn dịch của da, dẫn đến các phản ứng viêm khó kiểm soát.
Trên cơ sở đó, da sẽ rơi vào trạng thái mất nước, thô ráp, xỉn màu, bong tróc, nhạy cảm, tốc độ luân chuyển tế bào chậm và dễ kích ứng. Ngoài ra, việc này cũng khiến da dễ bị tác động bởi tác nhân ngoại lai, đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến các gốc tự do như tia UV, ô nhiễm môi trường. Bạn biết đấy, gốc tự do dẫn đến các tình trạng lão hoá trên da như đổi màu, chảy xệ và sớm hình thành nhiều nếp nhăn.
2. Nguyên nhân da bị mất hàng rào bảo vệ da
Khó có thể liệt kê tất cả các nguyên nhân dẫn đến tình trạng hư hại hàng rào bảo vệ da nhưng chúng ta có thể kể tên được những nguyên nhân phổ biến, chủ yếu như:
– Nguyên nhân di truyền hoặc yếu tố chủng tộc: Ví dụ ở những người da khô bẩm sinh hoặc mắc các bệnh về viêm da mãn tính, hàng rào bảo vệ da luôn trong trạng thái không ổn định hoặc bị tổn thương.
– Do chịu tác động của tác nhân ngoại lai như tia UV, hút thuốc, ô nhiễm môi trường…
– Một nguyên nhân lớn không kém là sử dụng mỹ phẩm sai cách gây ra các tổn thương các hàng rào bảo vệ da: tẩy da chết quá đà, treatment nặng đô nhưng không phục hồi đúng cách, làm sạch da quá đà, lựa chọn những sản phẩm tác động tiêu cực tới hàng rào bảo vệ da…
– Mức độ căng thẳng, stress, chế độ sinh hoạt ngủ nghỉ… cũng ảnh hưởng đến trạng thái của hàng rào bảo vệ da.
III/ Cách phục hồi hàng rào bảo vệ da
1. Hàng rào bảo vệ da có tự phục hồi không?
Như Twins có trình bày ở trên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy yếu chức năng hàng rào bảo vệ da. Lúc này, lớp sừng sẽ hoạt động liên tục để duy trì các chức năng sinh lý bằng cách sử dụng nhiều cơ chế tự sửa chữa. Khi sự tăng mất nước qua biểu bì (TEWL) vượt quá mức cân bằng nội môi thông thường, nhiều cơ chế tự sửa chữa được tạo ra trong lớp sừng và lớp hạt của biểu bì.
Các cơ chế tự sửa chữa cự thể là:
– Các chất béo tiền chất từ các thể lỏng trong lớp hạt sẽ ngay lập tức chuyển đổi thành chất béo sinh lý (chẳng hạn như ceramides) và được giải phóng lên lớp sừng, giúp phục hồi khoảng 20% chức năng hàng rào bảo vệ da tổng thể.
– Tăng tổng hợp các tiền chất lipid sinh lý và chuyển đổi thành lipid tại lớp sừng để bổ sung cho màng lipid gian bào.
– Tăng chuyển hóa profilaggrin thành filaggrin (một loại protein có chức năng liên kết các sợi keratin trong quá trình biệt hóa thượng bì) và phân hủy filaggrin thành một số NMF. Như chúng ta đã biết, các NMF này chủ yếu là các axit amin giúp duy trì độ ẩm trong lớp sừng, làm giảm sự thất thoát nước khỏi da.

– Khi hàng rào bảo vệ da bị suy yếu (đặc biệt là lớp axit mantle), các sinh vật vi sinh vật có hại được dịp năng nổ xâm nhập vào lớp sừng và gây nguy cơ phá hủy các tế bào sừng. Lúc này, các peptide kháng khuẩn cụ thể sẽ được kích hoạt bởi một số vi khuẩn nhất định.
Quá trình này tạo ra phản ứng miễn dịch bẩm sinh, ngăn chặn sự phát triển của quá trình nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra và mắt thường chúng ta quan sát thấy chính là các tình trạng viêm trên da.
Như vậy có thể thấy lớp sừng rất năng động và có khả năng sử dụng các cơ chế tự sửa chữa để duy trì sự cân bằng sinh lý bình thường của da, góp phần cân bằng nước và cân bằng nội môi tổng thể.
Tuy có khả năng tự phục hồi hàng rào bảo vệ da nhưng khả năng tự phục hồi này cũng có giới hạn nhất định. Khi chịu tác động quá mạnh và trong thời gian dài của các yếu tố ngoại sinh, da sẽ không thể thực hiện chức năng tự sửa chữa hàng rào bảo vệ được. Lúc này rất cần đến sự kết hợp chăm sóc da hàng ngày đúng cách.
Nguồn báo cáo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5608132/
2. Cách phục hồi hàng rào bảo vệ da bằng mỹ phẩm
Hãy bắt đầu với routine chăm da khoa học từ hôm nay để phục hồi và nuôi dưỡng hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh. Twins sẽ gợi ý cho bạn các bước cơ bản như sau:
Bắt đầu với sản phẩm làm sạch tốt để tránh bào mòn hàng rào bảo vệ da
Các sản phẩm tẩy trang hay sữa rửa mặt đều có thành phần làm sạch chính là chất hoạt động bề mặt (surfactant). Ngoài chức năng làm sạch, các thành phần này cũng ít nhiều tác động tới hàng rào bảo vệ da. Surfactant làm sạch quá mức sẽ cuốn trôi các lipid thuộc hàng rào bảo vệ da, làm cho nhóm vi sinh vật trên da bị tác động dẫn tới mất cân bằng.
Ngoài ra, các cặn surfactant còn đọng lại trên da cũng ăn mòn dần các protein có trong lớp sừng, làm cho lớp này suy yếu.
Ví dụ như SLS (Sodium Lauryl Sulfate) – một chất thuộc nhóm tẩy rửa mạnh mẽ nhất có thể gây phân tách các protein, phá hủy hàng rào bảo vệ da, mất nước xuyên biểu bì, gây thô ráp trên da.
Do đó, sản phẩm làm sạch chất lượng cao hiện nay có xu hướng đến những chất làm sạch có sự thân thiện với hàng rào bảo vệ da. Gần gây, Biosurfactant (chất hoạt động bề mặt sinh học) đang rất được quan tâm vì chúng vừa thân thiện với môi trường, vừa có tính tương thích cao với sinh lý da, có thể làm sạch hiệu quả mà không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hàng rào bảo vệ da.
Một số Biosurfactant chất lượng, có nghiên cứu chứng minh hiệu quả rõ ràng có thể kể đến như: Heptyl Glucoside, Decyl Glucoside, Sodium Cocoyl Apple Amino Acids… Bật mí là sản phẩm tẩy trang sắp tới của Twins đều chứa các Biosurfactants này, mọi người nhớ đón chờ nhé! Đầu tư vào sản phẩm làm sạch chất lượng chính là cách tốt nhất để “phòng còn hơn trị”.

Duy trì nuôi dưỡng hàng rào bảo vệ da hằng ngày đúng cách
Bỏ qua các sản phẩm dưỡng cầu kỳ thì nước dưỡng (có nhiều tên gọi như toner, lotion, essence, skinsofter…) chính là sản phẩm cơ bản cho một routine nuôi dưỡng hàng rào bảo vệ da của bạn. Các sản phẩm nước dưỡng hiện nay không chỉ dừng lại ở tính chất như một sản phẩm cân bằng da đơn thuần mà nó đã có nhiều cải tiến trong hoạt chất, công nghệ, hệ nền cũng như độ pH để tạo ra nhiều công dụng thiết thực trong việc tái thiết và nuôi dưỡng hàng rào bảo vệ da.
Dầu dưỡng da cũng là một nguồn củng cố sức khỏe hàng rào bảo vệ da rất tốt. Từ hàng ngàn năm trước, con người đã biết sử dụng dầu dưỡng như một cách dưỡng da lành mạnh.
Dầu dưỡng có nguồn gốc từ các loại dầu thực vật (hạt xương rồng, hạt lựu, gấc, mù u, hạt táo, hạt nho,…) bổ sung và cân bằng lại lượng lipid gian bào đã bị rửa trôi trong quá trình làm sạch và đảm bảo an toàn cho da. Đây cũng là một trong những dự án sản phẩm dầu dưỡng sắp ra mắt của Twins, các bạn nhớ đón chờ nhé!
Phục hồi chuyên sâu cho hàng rào bảo vệ da bị tổn thương
Ở các làn da có hàng rào bảo vệ da bị tổn thương do treatment quá độ, cần có các sản phẩm phục hồi giúp nuôi dưỡng lại hàng rào, để tránh gây ra các tình trạng tổn thương sâu và kích ứng không mong muốn.
Các thành phần phục hồi chuyên sâu có thể kể đến như: Đồng peptide (tăng sinh các tế bào khỏe mạnh, củng cố hàng rào vật lý cho da); Ectoin, B5 (cấp nước, giữ ẩm cho da, tạo điều kiện lý tưởng để da thực hiện các chức năng sinh lý tự nhiên, ví dụ như rụng sừng để da luôn trong trạng thái mịn màng)…
Xem sản phẩm chức các hoạt chất kể trên: Biogenic F.Copper Peptide (Serum phục hồi đa tác động – Giảm kích ứng, ngừa oxy hóa, sẹo sau mụn)
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn cho mình một chiếc mask để “cấp cứu” cho da trong những tình trạng kích ứng nguy cấp. Các loại mask trên thị trường hiện nay không chỉ đơn thuần là một loại mask giấy, tạo hiệu ứng cấp ẩm tức thì mà sẽ được quan tâm nhiều hơn đến chất liệu của miếng mask (như Bio-Cellulose) và dung dịch chứa các thành phần hoạt chất có tác dụng phục hồi chuyên sâu cho da bị tổn thương.
Đây cũng là một dự án Twins đang ấp ủ và sẽ sớm ra mắt khách hàng trong thời gian tới. Cụ thể chất liệu mask cũng như các thành phần có trong dung dịch gồm những gì thì mời bạn đón chờ cùng Twins nhé.
Cuối cùng là nhớ chống nắng đầy đủ để bảo vệ hàng rào bảo vệ da trước các nguy cơ từ tia UV và đảm bảo cho các hoạt chất ở các bước dưỡng trước được phát huy hiệu quả tốt nhất.
Vừa rồi là toàn bộ những thông tin bạn cần biết về hàng rào bảo vệ da. Vì là rào chắn vô cùng quan trọng, trực tiếp quyết định đến sức khỏe làn da nên bạn không nên lơ là trong việc chọn sản phẩm chăm sóc da để rồi vô tình làm tổn hại đến lá chắn bảo vệ này nhé. Chúc bạn mãi xinh tươi và hẹn gặp bạn ở bài viết sau.
Twins Skin là thương hiệu mỹ phẩm chuẩn khoa học đầu tiên của Việt Nam, tiên phong ứng dụng các công nghệ bọc tiên tiến, dựa trên nền tảng khoa học đã được nghiên cứu chứng nhận. Đội ngũ nghiên cứu của Twins Skin gồm: kỹ sư hoá sinh, kỹ sư hoá dược, sự tham vấn từ bác sĩ da liễu và bác sĩ da liễu thẩm mỹ.
Mỗi khách hàng đến với Twins Skin đều sẽ được thiết quy trình cá nhân hoá dựa vào lịch sử da và vấn đề da. Twins Skin cam kết đảm bảo quyền lợi của bạn với chính sách bảo hành/đổi trả miễn phí. Tìm hiểu và kết nối cùng Twins tại: