SỰ HẤP THU HOẠT CHẤT QUA DA (phần 1)- Các yếu tố ảnh hưởng

hấp thu hoạt chất qua da

Chọn sản phẩm tốt là một chuyện. Da có hấp thụ được không lại là chuyện khác. Qua bài viết này, Twins sẽ giúp bạn hiểu thêm về sự hấp thu của hoạt chất mỹ phẩm qua da. Từ đó có được cách cải thiện khả năng thẩm thấu hiệu quả. Để bạn không phải “than trời” vì dùng đủ thứ mà da chẳng thay đổi tí nào.

Bắt đầu thôi!

I/ HOẠT CHẤT ĐƯỢC HẤP THU QUA DA NHƯ THẾ NÀO?

1/ Quá trình hấp thu

Trước hết Twins sẽ mô tả khái quát về quá trình hấp thu của hoạt chất qua da. Theo đó, hoạt chất sẽ thông qua các cấu trúc da, đi từ lớp biểu bì đến khớp nối trung bì – biểu bì. Tại đây, hoạt chất sẽ theo mạch máu vận chuyển đến hệ tuần hoàn. Cho bạn nào chưa biết, hệ tuần hoàn là một mạng lưới gồm máu, mạch máu và bạch huyết. Cơ quan này có khả năng vận chuyển oxy, hormon và dưỡng chất thiết yếu vào các tế bào trong cơ thể. Nhờ đó, các tế bào (bao gồm cả tế bào da) sẽ được nuôi dưỡng và hoạt động trong môi trường tốt.

cấu tạo da

Trình tự cụ thể của quá trình này như sau:

  • Đầu tiên, hoạt chất sẽ tương tác với lớp sừng và khuếch tán qua lớp sừng.
  • Tiếp theo, hoạt chất đi từ lớp sừng thân dầu đến lớp biểu bì thân nước.
  • Sau đó tiếp tục từ lớp biểu bì vào mạch đến các mô da tưới máu cao.
  • Cuối cùng, hoạt chất xâm nhập qua vi tuần hoàn vào hệ tuần hoàn. Trong đó, vi tuần hoàn là một hệ thống gồm những mạch máu nhỏ, gọi là mao mạch, nối tiểu động mạch và tiểu tĩnh mạch.

2/ Con đường hấp thu của hoạt chất qua da

Có 3 con đường hoạt chất được thẩm thấu và hấp thụ qua da:

  1. Thẩm thấu qua lớp biểu bì bằng cách đi xuyên qua các khe giữa các tế bào (ntercellular)
  2. Thẩm thấu trực tiếp qua tế bào biểu bì (Transcellular)
  3. Thấm qua da theo các bộ phận phụ như lỗ chân lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn. (Transappendageal)

Trong đó, đường thấm qua lớp biểu bì là chủ yếu vì diện tích bề mặt của nó lớn hơn 100 – 1000 lần diện tích bề mặt của các phần phụ.

hấp thu hoạt chất qua da

Minh hoạ cho 3 con đường thẩm thấu ở da: A -Transcellular, B – Intercellular, C -Transappendageal

II/ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG HẤP THU HOẠT CHẤT QUA DA

Đọc xong phần trên chắc hẳn bạn đang “mơ về một tương lai tươi sáng”. Rằng thoa mỹ phẩm sẽ tác động được đến cả hệ tuần hoàn mạch máu, giúp nuôi dưỡng da từ sâu bên trong đúng không?

Nhưng sự thật thì quá trình trên được “vẽ” ra trong điều kiện vô cùng lý tưởng. Còn chuyện skincare của chúng ta thì có ti tỉ thứ khác liên quan. Từ đó khả năng hấp thu của hoạt chất cũng bị ảnh hưởng. Sau đây Twins sẽ giúp bạn biết được đâu là những yếu tố tác động đến điều này. Để từ đó rút ra được một số lưu ý quan trọng trong quá trình chăm da sao cho đạt hiệu quả tốt nhất nhé!

1/ Yếu tố làn da

1.1. Vị trí vùng da

Vị trí vùng da tiếp xúc với hoạt chất có ảnh hưởng đến khả năng thẩm thấu của nhiều hoạt chất. Dựa trên nhiều nghiên cứu, khả năng hấp thu của hoạt chất qua các vùng da sắp xếp theo thứ tự tăng dần như sau: bàn chân < lòng bàn tay < lưng < các vùng da còn lại < đầu < nách < trán < bìu. Trong đó, tỷ lệ thâm nhập vào vùng da ở bìu gấp 42 lần vùng da ở bàn chân. Kết quả này là do sự khác nhau về số lượng các nang, độ dày của lớp sừng, các thành phần bã nhờn. Cũng như khoảng cách của các mao mạch trên bề mặt của các vùng da.

1.2. Tuổi

Tuổi có ảnh hưởng đến da cũng như sự hấp thu của hoạt chất qua da. Tuổi càng lớn, lớp sừng trở nên khô hơn do hoạt động của tuyến bã nhờn và lipid bề mặt giảm. Lượng collagen và elastin cũng giảm dần. Ngoài ra, lão hoá còn khiến mạng mao mạch bị thoái hóa dần. Dẫn đến khả năng cung cấp máu cũng sẽ giảm và ảnh hưởng đến sự hấp thu hoạt chất qua da.

Người ta còn phát hiện ra rằng, mặc dù da ở người lớn tuổi gia tăng khả năng giữ nước. Nhưng phần lớn trong số này không được gắn kết với protein. Mà màng tế bào của chúng ta lại có thành phần cơ bản là protein, giúp tạo thành các kênh (canal) chứa đầy nước xuyên qua màng. Qua đó để các chất tan trong nước có phân tử nhỏ dễ dàng khuếch tán qua màng. Nếu phần nước và phần protein không còn gắn kết với nhau chặt chẽ nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu các hoạt chất tan trong nước của da.

màng tế bào

1.3. Hàng rào bảo vệ da

Như Twins đã chia sẻ rất nhiều lần ở các bài viết trước. Trên bề mặt da của chúng ta luôn có một loạt các tế bào sừng được phủ một cấu trúc lipid gồm các chất béo như ceramides, cholesterol và axit béo. Sau đó được các tuyến tiết (tuyến bã, tuyến mồ hôi) tạo thêm một lớp màng lipid phủ phía trên. Từ đó tạo ra cấu trúc 2 lớp màng của hàng rào bảo vệ da.

Và khi thoa một hoạt chất lên da, hoạt chất sẽ gặp hàng rào này đầu tiên. Vậy nên khi hàng rào này bị thay đổi, cụ thể là tổn thương hay “mỏng đi”, tính thấm của hoạt chất đương nhiên sẽ tăng. Điều này có thể bị ảnh hưởng bởi các tác nhân như hóa học (chất tẩy rửa, dung môi), vật lý (thời tiết, ánh sáng mặt trời) hoặc bệnh lý (tổn thương cơ, bệnh).

Nhưng bạn chớ vội nghĩ rằng vậy thì mình phải làm nó càng mỏng càng tốt. Bởi hàng rào bảo vệ da đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống mất nước xuyên biểu bì và ngăn cản sự xâm nhập tự do của các vật thể lạ qua da. Vậy nên để tăng khả năng thẩm thấu của hoạt chất bằng cách tác động đến lớp hàng rào này, đó là câu chuyện của sự điều tiết, cân bằng trong skincare. Twins sẽ nói kỹ hơn ở phần ứng dụng nhé!

1.4. Trao đổi chất

Mặc dù gan mới là cơ quan trao đổi chất chủ yếu của cơ thể. Nhưng da cũng đảm nhiệm một phần chức năng này. Bởi làn da có hệ enzym giúp xúc tác phản ứng chuyển hóa các chất nội sinh như steroid, hormon và các chất lạ (dược phẩm và hóa chất trong mỹ phẩm). Điều này đóng vai trò quan trọng trong chức năng loại bỏ độc tố. Cũng như khả năng hấp thu hoạt chất qua da.

Tuy nhiên, các enzym cũng có thể kích hoạt các phân tử thành các chất ảnh hưởng xấu đến da. Twins ví dụ như enzym tyrosinase nếu bị kích hoạt mạnh mẽ sẽ tăng tổng hợp melanin và kéo theo nhiều vấn đề tăng sắc tố khác trên da như thâm, nám, da sạm màu.

Tìm hiểu thêm về cách ức chế enzym này và các cách xử lý sạm – nám liên quan: https://twinsskin.com/khoa-hoc-lan-da/sam-nam-va-tang-sac-to-p2-phuong-phap-dieu-tri-khoa-hoc-hieu-qua/

1.5. Khả năng hydrat hóa

Mức độ hydrat hóa lớp sừng là một trong những yếu tố quan trọng đối với tính thấm và sự hấp thu hoạt chất qua da. Bạn có thể hiểu đơn giản đây quá trình giữ lại được nước của màng tế bào trong một đơn vị tế bào.

hydrat hoá của da

Khả năng hydrat hóa tăng sẽ giúp tăng khả năng thẩm thấu hoạt chất. Lúc này, khi mức độ giữ nước của da tăng lên, lớp sừng sẽ trương phồng và mềm ra. Từ đó làm giảm tính cản trở của làn da và sự hấp thu qua da sẽ dễ dàng hơn.

1.6. Nhiệt độ da

Khi gia tăng nhiệt độ da, khả năng hấp thu hoạt chất qua da cũng sẽ tăng. Hai nhà nghiên cứu Fritsch và Stoughton đã có một nghiên cứu in vitro về ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự hấp thu acid acetylsalicylic qua da người. Họ phát hiện rằng ở nhiệt độ 40°C, khả năng hấp thu của salicylat lớn hơn khoảng 8 lần so với nhiệt độ 10°C.

Ngoài ra, nghiên cứu của Arita và cộng sự (1970) cũng đưa ra kết quả về việc tăng tốc độ hấp thu acid salicylic và carbinoxamin lên gấp 5 lần khi nhiệt độ da bụng của chuột lang được nâng từ 20°C đến 38°C.

Có thể nói khi nhiệt độ da tăng lên có nhiều cơ yếu tố trở nên thuận lợi hơn cho sự hấp thu của các hoạt chất qua da. Như các tuyến tiết tăng hoạt động, các tế bào da hoạt động tích cực hơn, mạch máu giãn nở…

Ngoài làn da, những yếu tố liên quan đến sản phẩm cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu của hoạt chất qua da. Trong phần 2, Twins sẽ nói kỹ hơn về điều này. Đặc biệt là một số phương pháp giúp tăng hiệu quả thẩm thấu khi skincare.

Xem tiếp phần 2 tại đây bạn nha: https://twinsskin.com/khoa-hoc-lan-da/su-hap-thu-hoat-chat-qua-da-phan-2-cach-tang-hieu-qua-tham-thau-cua-my-pham/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *