Bạn đã bao giờ gặp phải trường hợp, làn da xuất hiện những nốt sần như mụn nhưng lại không có nhân. Bạn dùng đủ mọi phương pháp trị mụn cũng không khỏi, thậm chí tình trạng còn nặng thêm. Rất có thể đó không phải mụn trứng cá với sự góp mặt của vi khuẩn C.acnes (P.acnes). Mà đây lại là một vấn đề da gây nên bởi nấm và cần được điều trị bằng cách khác. Nhiều người hay gọi chúng là mụn nấm men nhưng chính xác trong y khoa không tồn tại thuật ngữ này.
Vậy rốt cuộc đó là gì? Làm sao để phân biệt và điều trị? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời.
Có gì trong bài viết này
Tổng quan các loại nấm trên da người
Các loại nấm khác nhau được tìm thấy trong ruột, trên da, trong miệng và các bề mặt niêm mạc khác. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, có thể cho rằng vi khuẩn nhiều hơn nấm rất nhiều. Mặc dù khi xem xét các chức năng sinh lý và miễn dịch, người ta thấy rằng tế bào nấm thường đóng vai trò lớn hơn rất nhiều so với tế bào vi khuẩn. Chúng còn sở hữu nhiều chức năng trao đổi chất riêng biệt mà chỉ loại nấm đó mới có.
Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng giống như hệ vi sinh vật vi khuẩn, hệ vi sinh vật nấm thường bị thay đổi trong các trạng thái bệnh. Khi nghiên cứu về nấm nói chung và những loài nấm tương tác với con người nói riêng, người ta đã chỉ ra rằng có những loài gây bệnh chính trên da. Twins đã thống kê trong những hình bên dưới cho bạn đây rồi.
Quan sát hình, chúng ta cũng có thể thấy, sinh vật nấm Malassezia liên quan rất lớn đến làn da, đặc biệt là da tiết bã nhờn. Chúng thường trực trên da, sống hội sinh với làn da con người và đóng vai trò gây các bệnh lý cơ hội liên quan đến quá trình dinh dưỡng của chúng. Trong khi các loài khác hầu như sinh sống trong môi trường và chỉ gây bệnh khi gặp vật chủ và điều kiện thích hợp. Và đây cũng chính là loại nấm Twins muốn nhắc đến trong chủ đề mụn hôm nay.
Trong nhiều năm qua, chi Malassezia đã là một chủ đề được nghiên cứu cơ bản về phân loại học, sinh lý học, hóa sinh, sinh thái học, miễn dịch học và chuyển hóa học. Hiện nay, chi này bao gồm 14 loài. Việc sửa đổi năm 1996 của chi dẫn trong bảy đơn vị phân loại được chấp nhận: M. furfur , M. pachydermatis , M. sympodialis , M. globosa , M. obtusa , M. restricta , và M. slooffiae. Trong thập kỷ qua, bảy đơn vị phân loại mới được phân lập từ da người và động vật khỏe mạnh và tổn thương đã được chấp nhận: M. dermatis , M. japonica , M. yamatoensis , M. nana, M. caprae , M. equina , và M. cuniculi.
Malassezia được tính toán chiếm từ 53% đến 80% tất cả các loại nấm ở các vị trí khác nhau trên cơ thể (nguồn: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2953113/) và đặc biệt ở vùng da tiết bã. Có một sự thật là, với pH khắc nghiệt của da, chỉ những chi như Melassezia mới có thể thích nghi và phát triển. Do đó, quần thể này chiếm con số gần như là tuyệt đối trong các loài nấm da sống hội sinh.
Nấm và mụn trứng cá
Nấm Malassezia gây mụn
Bệnh viêm nang lông Malassezia ở lưng. Tình trạng bệnh phát triển sau khi làm việc trong môi trường nóng ẩm vài ngày. (A) Mặt sau của bệnh nhân. (B) Cận cảnh các tổn thương.
Có thể nhận thấy các sẩn nhỏ màu đỏ trên mặt mà hầu như không có nhân mụn, rất dễ nhầm với mụn trứng cá.
“Mụn nấm men” là một cụm từ được sử dụng khá phổ biến trong cộng đồng làm đẹp. Nhưng thật ra trong y khoa, chúng ta không có thuật ngữ hay khái niệm mụn nấm men. Thay vào đó, người ta nhận định rằng, mụn trứng cá do nhiều yếu tố gây bệnh, trong đó có vi khuẩn P.acnes là tác nhân chính, các loại vi nấm được phân lập từ các tổn thương mụn trứng cá với tỷ lệ thấp sẽ được xếp vào các yếu tố cơ hội làm nặng tình trạng mụn.
Liên quan đến nấm, chúng ta có một thuật ngữ chính xác hơn, đó là viêm nang lông do nấm, với những biểu hiện lâm sàng khá giống tình trạng mụn trứng cá như: sẩn viêm, mủ…ở các đơn vị nang lông. Trong đó, Malassezia được xem là tác nhân gây hại chính bởi đặc điểm dinh dưỡng và vị trí sinh sống trên những vùng da tiết bã.
Từ đây, chúng ta lại có khái niệm Viêm nang lông Malassezia (Pityrosporum). Đây là một bệnh nhiễm trùng ở các nang lông do nấm men ưa mỡ chi Malassezia gây ra. Twins sẽ cung cấp thêm một số thông tin về lịch sử của loại nấm này. Theo đó, Malassezia là một chi chủ yếu chứa các loài nấm men ưa mỡ và không ưa mỡ. Những loại nấm này đã được xác định cách đây hơn 150 năm khi loại nấm liên quan đến bệnh lang ben được công nhận là có các đặc điểm lưỡng hình – cả dạng nấm men và dạng sợi. Loại nấm liên quan đến viêm da tiết bã được xác định là tồn tại ở các dạng nấm men trong cùng thời kỳ. Trong những năm qua, nhiều loài hơn đã được đưa vào chi. Malassez được ghi nhận là người đã phát hiện ra các tế bào giống nấm men trong lớp sừng của da vào năm 1874 và chi ban đầu được đặt theo tên của ông. Khi sinh vật được nuôi cấy sau này, tên được đặt cho nấm là Pityrosporum ovale. Trong nhiều năm, Pityrosporum và Malassezia được cho là hai chi khác biệt. Cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận là đặt tên Malassezia hơn Pityrosporum sau khi sửa đổi các đặc điểm phân loại của các sinh vật trong hai chi.
Loại nấm men này được tìm thấy trong lớp sừng và các nang lông tương tự, nơi nó sử dụng lipase và phospholipase của riêng mình để thủy phân triglyceride từ bã nhờn thành các axit béo tự do cho nguồn lipid dinh dưỡng của chúng, do đó dẫn đến tăng sinh. Nó là một sinh vật cơ hội, chuyển từ giai đoạn hội sinh sang giai đoạn sợi nấm gây bệnh trong những điều kiện nhất định, chẳng hạn như nhiệt độ tăng, da nhờn, đổ mồ hôi và ức chế miễn dịch. Và liên quan nhiều nhất đến sự thay đổi thành phần axit béo của tuyến bã nhờn do sự gia tăng nồng độ androgen.
Viêm nang lông Malassezia
Bệnh viêm nang lông Malassezia lần đầu tiên được mô tả như một đợt bùng phát dạng mụn trứng cá liên quan đến việc sử dụng kháng sinh phổ rộng bởi Weary et al. vào năm 1969 (Nguồn: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/4240434/). Căn bệnh này do sự phát triển quá mức của loại nấm hiện diện như một phần của hệ sinh vật da. Nếu theo dõi các bài viết của Twins, hẳn bạn đã biết trên da chúng ta sẽ tồn tại một hệ vi sinh vật với vai trò bảo vệ da trước các tác nhân gây hại khác từ môi trường. Tuy nhiên, nếu hệ sinh vật bị xáo trộn do uống thuốc kháng sinh phổ rộng hoặc steroid / ức chế miễn dịch, chúng lại trở thành yếu tố gây hại. Điển hình là loại nấm Twins vừa đề cập.
Viêm nang lông Malassezia có đặc điểm kiểu hình giống với mụn trứng cá và mụn trứng cá do steroid nhưng vẫn có điểm phân biệt riêng và cần được điều trị khác nhau. Thuốc kháng nấm đường uống được ưu tiên sử dụng để điều trị và giúp cải thiện đáng kể tình trạng này. Và dù là với vấn đề nào, việc nhận biết sớm bệnh là rất quan trọng để có được kết quả khả quan.
Biểu hiện
MF biểu hiện như những nốt sẩn và mụn mủ dạng nang đơn hình, từ 1 đến 2mm, ngứa dữ dội mà không có nhân mụn trứng cá, thường ở mặt, lưng trên, ngực và vai. Vị trí phổ biến nhất là mặt (57,1%), tiếp theo là lưng (53%), bề mặt duỗi của cánh tay (38,8%), ngực (36,7%) và cổ (18,3%). Hơn nữa, ở mặt, cằm và hai bên mặt thường bị ảnh hưởng nhất, khác với các tổn thương vùng trung tâm thường thấy của mụn trứng cá. Ngứa là triệu chứng của 79,6 % các triệu chứng của bệnh nhân và 10,2 % thậm chí biểu hiện bằng các triệu chứng ban đỏ. Đọc đến đây hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc sao con số % này tính tổng lại không phải là 100%. Thật ra là do có những trường hợp bị mụn đồng thời nhiều vùng, nên con số này được tính trên tổng số người tham gia khảo sát nhé.
MF thường gặp ở thanh thiếu niên, có thể là do sự gia tăng hoạt động của tuyến bã nhờn. Người ta nhận thấy rằng tần suất và mật độ xâm nhập của nấm men có liên quan đến tuổi tác và hoạt động của tuyến bã nhờn. Chúng thường được tìm thấy ở những người sống trong khí hậu nóng ẩm. Đặc biệt là những người bị ảnh hưởng bởi mồ hôi quá nhiều, phổ biến hơn ở nam giới. Các yếu tố khuynh hướng khác bao gồm sử dụng kháng sinh tại chỗ hoặc đường uống, như tetracyclin, sử dụng corticosteroid đường uống và ức chế miễn dịch.
Nhận biết và điều trị
Chẩn đoán phân biệt
Như Twins đã nói, viêm nang lông Malassezia (MF)(Pityrosporum) thường bị chẩn đoán nhầm là mụn trứng cá, rất dễ bỏ sót và có khả năng bị chẩn đoán sai. Chưa kể việc điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn trên da và làm trầm trọng thêm bệnh. Chính vì thế việc phân biệt và làm rõ vấn đề là rất quan trọng.
Theo đó, MF sẽ xuất hiện đồng thời tại các bộ phận như thân, tứ chi và mặt, kèm biểu hiện ngứa dữ dội và các tổn thương da dạng sẩn và mụn mủ đơn hình nhưng thiếu nhân mụn. Không đáp ứng với điều trị thông thường theo hướng điều trị mụn trứng cá, thậm chí nếu dùng kháng sinh điều trị, tình trạng bệnh còn diễn biến nặng hơn do làm mất cân bằng hệ vi khuẩn trên da tạo điều kiện cho nấm phát triển. Chuẩn đoán xác định bằng cách soi tìm các bào tử nấm dưới kính hiển vi.
Ngoài ra bạn cũng cần biết thêm về trường hợp mụn trứng cá có bội nhiễm nấm. Khác với mụn trứng cá thường, mụn trứng cá có bội nhiễm nấm sẽ xuất hiện dấu hiệu ngứa kèm theo tình trạng mụn trứng cá nặng nề. Điều trị theo hướng mụn trứng cá đơn thuần không đỡ và cần được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm soi nấm dưới kính hiển vi. Tuy trường hợp này hiếm nhưng chúng ta vẫn cần đặt nghi ngờ ngay từ đầu. Đặc biệt là trong trường hợp bị mụn do corticoid – vì liên quan đến suy giảm miễn dịch da tạo thuận lợi cho nấm malassezia và Candida phát triển trong tổ chức mụn.
Điều trị
Với cơ chế hình thành khác nhau, việc điều trị viêm nang lông Malassezia với điều trị mụn trứng cá cũng không giống nhau. Cụ thể, thuốc chống nấm bôi tại chỗ được xem là liệu pháp bổ trợ cũng như điều trị duy trì và dự phòng phổ biến đối với bệnh viêm nang lông Malassezia. Sau đây là hướng dẫn về quy trình điều trị chung của bác sĩ, bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên, về tình trạng của mỗi người là khác nhau, bạn vẫn phải có sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ trước khi áp dụng nhé!
Các thuốc uống:
- Ketoconazol 200mg
Trẻ em trên 2 tuổi: 3,3 – 6,6 mg/kg/ngày, uống 1 lần/ngày.
Người lớn: Liều thông thường 200 mg/ngày, nếu nặng 400 mg/ngày, uống làm một lần.
Điều trị trong 1 đến 2 tháng.
- Itraconazole 100mg
Người lớn:
100 mg, ngày uống 1 lần, uống trong 15 ngày. Nếu ở vùng sừng hóa cao, phải điều trị thêm 15 ngày với liều 100 mg mỗi ngày.
Trường hợp nặng: Itraconazole 200mg: uống ngày 1 lần trong 2 tháng.
(Các tác dụng ngoại ý liên quan đến thuốc chống nấm đường uống bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng và nhiễm độc gan)
Thuốc thoa:
Thoa kem ketoconazole ngày 2 lần trong ít nhất 1 tháng, hoặc hơn đến khi khỏi bệnh.
Điều trị bổ trợ:
- Liệu pháp quang động (PDT là một hình thức của liệu pháp quang học liên quan đến ánh sáng và một chất hóa học nhạy sáng, được sử dụng cùng với oxy phân tử để làm chết tế bào (nhiễm độc quang). PDT đã chứng minh khả năng tiêu diệt các tế bào vi khuẩn, bao gồm vi khuẩn, nấm và vi rút.) PDT tại chỗ với kem methyl aminolevulinate (MAL) như một phương pháp điều trị cảm quang cho MF. Bệnh nhân trải qua ba buổi điều trị cách nhau hai tuần.
- Thoa tretinoin: giúp giảm sừng, giảm viêm, tăng hiệu quả điều trị.
- Lưu ý: Mụn trứng cá và MF cùng tồn tại trong 12.2-27% trường hợp, có thể cần kết hợp điều trị kháng nấm cùng với các loại thuốc trị mụn thông thường. Tuy nhiên lúc này các bác sĩ sẽ hạn chế sử dụng kháng sinh mà ưu tiên các lựa chọn khác.
Quy trình skincare kết hợp:
- Trường hợp chỉ bị mụn do nấm: Điều trị theo phác đồ uống và thoa ketoconazol ngày 2 lần sáng tối, vẫn đảm bảo các bước chăm sóc da cơ bản như tẩy trang, rửa mặt, toner, ngưng serum và dưỡng ẩm, thoa thêm ketoconazol sau khi thoa toner và để da khô ráo.
- Trường hợp mụn trứng cá có bội nhiễm thêm nấm: Ngừng uống kháng sinh và các thuốc thoa kháng sinh khác, các hoạt chất còn lại dùng bình thường (Retinoids, Benzoyl Peroxide, Acid azelaic, BHA, AHA…), dùng kèm ketoconazol thoa ngày 2 lần sáng tối.
Qua bài viết này, Twins hy vọng đã giúp được nhiều bạn xác định rõ loại mụn mình đang gặp phải. Từ đó có được phương pháp xử lý phù hợp và hiệu quả.
Giữ gìn sức khoẻ thật tốt và mãi tự tin, xinh đẹp bạn nha!
Nguồn: Cố vấn chuyên môn Twins Skin – Bác sĩ Đỗ Thành tổng hợp, bình luận và biên tập.
Twins Skin là thương hiệu mỹ phẩm chuẩn khoa học đầu tiên của Việt Nam, tiên phong ứng dụng các công nghệ bọc tiên tiến, dựa trên nền tảng khoa học đã được nghiên cứu chứng nhận. Đội ngũ nghiên cứu của Twins Skin gồm: kỹ sư hoá sinh, kỹ sư hoá dược, sự tham vấn từ bác sĩ da liễu và bác sĩ da liễu thẩm mỹ.
Mỗi khách hàng đến với Twins Skin đều sẽ được thiết quy trình cá nhân hoá dựa vào lịch sử da và vấn đề da. Twins Skin cam kết đảm bảo quyền lợi của bạn với chính sách bảo hành/đổi trả miễn phí. Tìm hiểu và kết nối cùng Twins tại: